Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Lào và Thái Lan

Lào và Thái Lan là những thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. Trong những năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam với các nước này ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu.

Kể từ khi thiết lập quan hệ hữu nghị, Việt Nam và Lào không ngừng phát triển và đạt nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực, đem lại lợi ích thực sự cho nhân dân hai nước.

Đặc biệt, quan hệ thương mại, hợp tác giữa hai nước luôn phát triển theo chiều hướng tích cực, ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu. Kể từ hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa hai nước lần thứ XI vào năm 2018 đến nay, quan hệ thương mại nói chung và thương mại biên giới giữa hai nước nói riêng đã có những bước phát triển mới.

Điều này thể hiện qua mức tăng trưởng ấn tượng, không những so với thương mại Việt Nam - Lào những năm trước đây mà còn so với cả tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực.

1-1655377461.jpg
Thị trường Lào ngày càng phát triển và nằm ngay sát Việt Nam nên cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện đang thay đổi theo hướng bền vững, danh mục hàng hóa trao đổi giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đa dạng và phong phú hơn.

Có thời gian bị tác động bởi dịch Covid-19 và thiên tai, lũ lụt khiến thương mại giữa Việt Nam và Lào gặp một số trở ngại, khó khăn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 trở lại đây, giao thương giữa hai bên đã tăng trưởng mạnh mẽ nên cán cân xuất khẩu và nhập khẩu tương đối cân bằng. Do đó, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa thay đổi theo hướng bền vững, danh mục hàng hóa trao đổi giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đa dạng và phong phú hơn.

Theo thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào năm 2020 đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 11,5% so với năm 2019; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 571,7 triệu USD, giảm 18,5% so với năm trước đó. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 458,1 triệu USD, giảm 0,7%.

Năm 2021, kim ngạch ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm trước. Trong số này, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 594,7 triệu USD, tăng 4% so với năm trước và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 778,2 triệu USD, tăng 69,8%.

5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 708,2 triệu USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 247,2 triệu USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào gồm sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, phân bón các loại, sản phẩm từ chất dẻo, rau quả.

Đối với thị trường Thái Lan, đây là một trong những đối tác có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn với tổng giá trị trao đổi thương mại luôn nằm trong số 10 quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch thương mại của Việt Nam với Thái Lan tăng gấp 7 lần, từ 2,31 tỷ USD năm 2004 lên đến 16,58 tỷ USD năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt hơn 11%/năm.

2-1655377564.jpg
Hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam tìm được chỗ đứng và được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng.

Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt gần 19 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Đây là mức kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan cao nhất từ trước tới nay. 

Số liệu thống kê của Bộ Công thương 5 tháng đầu năm 2022 thể hiện, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 8,57 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 2,95 tỷ USD, tăng 15,6%; nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan đạt 5,26 tỷ USD, tăng 3,5%.

Mặc dù, là một cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới nhưng Thái Lan có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu các loại trái cây, rau củ tươi. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam khai phá thị trường đầy tiềm năng có giá trị lên tới hàng tỷ USD này.

Hiện, các sản phẩm như thuỷ sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nhiều mặt hàng như  trái cây tươi của Việt Nam cũng đang được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng.

Năm 2020, nước này nhập khẩu lượng rau quả tươi và chế biến có giá trị hơn 2,6 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà Thái Lan không cạnh tranh được như vải và thanh long. Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã nhập thanh long, vải từ Việt Nam về bán trong các hệ thống siêu thị lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp Thái Lan còn nhập nông sản nguyên liệu và đưa về Thái Lan để chế biến.

3-1655377621.jpg
Trung tâm thương mại Central World (Thái Lan) với các khu bày bán sản phẩm trái cây và thực phẩm chế biến của Việt Nam.

Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm với thị trường Lào và Thái Lan như yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu ngày 21/6/2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp Thương vụ Việt Nam tại Lào và Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Lào và Thái Lan. Sự kiện sẽ được tổ chức trực tiếp tại tỉnh Tây Ninh kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.

Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Lào và Thái Lan sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam được tư vấn, giải đáp các vấn đề liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm với hai thị trường này. Từ đó các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhận diện được những cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Lào và Thái Lan. 
                                                                                     

Đạm Quang Lê