Chung tay phát triển thị trường sầu riêng bền vững
Ngay sau khi mở cửa thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam nhanh chóng chiếm lĩnh được thị phần tại đây. Mùa vụ chính sầu riêng Tây Nguyên đang đến gần cũng là cơ hội để sầu riêng Việt Nam tăng tốc xuất khẩu. Điều này cần sự chung tay của toàn chuỗi ngành hàng để khẳng định chất lượng, thương hiệu sầu riêng Việt Nam cũng như phát triển thị trường bền vững.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo điều kiện cấp mã số cho hơn 700 vùng trồng và gần 200 mã số nhà đóng gói. Diện tích được cấp mã số vùng trồng mới đạt khoảng 25.000ha so với tổng diện tích trồng sầu riêng cả nước khoảng 150.000ha.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, diện tích được cấp mã số vẫn còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất sầu riêng của Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục đề nghị phía Trung Quốc mở rộng thêm mã số vùng trồng. Tuy nhiên, ngành sẽ không chỉ tập trung mở rộng vùng trồng và tăng diện tích mà đã đến lúc phải tập trung vào kiểm soát, quản lý chất lượng.
Việc sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là khó quản lý chất lượng sản phẩm.
“Chất lượng không chỉ với sản phẩm sầu riêng mà cả về “chất lượng” trong nhận thức của người sản xuất, chế biến và xuất khẩu; ý thức tuân thủ các quy định, nâng cao chất lượng mã số được cấp ra để đảm bảo luôn đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu,” ông Nguyễn Quang Hiếu nêu ra.
Sẵn sàng chuẩn bị bước vào mùa vụ mới, tỉnh Đắk Lắk tổ chức kiểm tra các vùng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm từ quả sầu riêng trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ thực hiện kiểm tra thực tế các vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đã được cấp, phê duyệt mã số; cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm trái cây (quả sầu riêng).
Cùng với đó, lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hàm lượng các chất khác có liên quan đối với quả sầu riêng tươi.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, việc kiểm tra này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các bên trong xây dựng ngành hàng sầu riêng bền vững. Việc xác định rõ trách nhiệm để có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và nông dân để hình thành chuỗi phát triển bền vững.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thời gian qua nhiều nhà vườn chạy theo số lượng hơn chất lượng vì giá, trọng lượng nên tồn tại tình trạng thu hoạch sầu riêng non.
Các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, Mỹ… đã có thói quen kiểm tra chất lượng trước khi xuất khẩu. Một số doanh nghiệp đã làm được điều này trước khi đưa sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên khuyến cáo các hội viên kiểm soát tốt chất lượng, vì đó là thương hiệu của doanh nghiệp, là uy tín quốc gia, thương hiệu quốc gia.
Cần lưu ý loại bỏ những tác nhân gây ô nhiễm chì trong thực phẩm
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), cũng như các thị trường khác, Trung Quốc liên tục cập nhật, bổ sung các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS).
Trong số đó, có một số quy định có thể liên quan đến sản phẩm trái cây cũng như quả sầu riêng. Điển hình là dự thảo về Quy tắc thực hành nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm chì trong thực phẩm đang được Trung Quốc lấy ý kiến các thành viên WTO.
Như vậy, cần nhanh chóng loại bỏ pin, phương tiện và máy móc bị bỏ hoang cũng như lớp sơn có chứa chì đã bị phong hóa trên các tòa nhà xung quanh trên đất được sử dụng để trồng cây. Hay không được sử dụng vật tư nông nghiệp có chứa chì hoặc có thể bị nhiễm chì; hàm lượng chì trong phân bón phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia…, ông Ngô Xuân Nam thông tin.
Từ những sự việc không may có những lô hàng không đáp ứng được yêu cầu thị trường nhập khẩu, ông Ngô Xuân Nam cho rằng nông dân, doanh nghiệp cũng như hợp tác xã tổ chức sản xuất sầu riêng phải tuân thủ nghiêm ngặt Nghị định thư về kiểm dịch; trong đó, có các quy định về vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm soát các đối tượng kiểm dịch; hồ sơ sổ sách ghi chép.
Bên cạnh đó, các bên liên quan phải làm sao xây dựng được chuỗi liên kết từ vùng nguyên liệu đến xuất khẩu để đáp ứng tốt yêu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Quang Hiếu cũng thông tin Cục Bảo vệ thực vật đang tích cực mở cửa cho sầu riêng đông lạnh Việt Nam vào Trung Quốc. Sầu riêng đông lạnh sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm cho ngành sầu riêng; có thêm công nghệ, biện pháp để bảo quản sầu riêng lâu hơn và từ đó giảm sức ép mùa vụ.
Các nhà vườn sẽ tập trung hơn vào các sản phẩm quả tươi chất lượng cao để xuất khẩu. Kỳ vọng là trong năm 2024 sản phẩm sầu riêng đông lạnh có thể được ký nghị định thư./.