Họ đã sát cánh cùng nhau đi trên một con đường, nỗ lực phấn đấu cho chung một mục tiêu, đưa Traphaco trở thành doanh nghiệp lớn, một hình mẫu điển hình trong "làng Dược". Và một trong số những vị lãnh đạo đó là Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Traphaco Sapa, một đơn vị thành viên của Traphaco.
"Đánh thức một vùng đất"
Sapa là địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Người ta đến đây không chỉ chinh phục đỉnh Fanxipan hùng vĩ, thả hồn mình trước Cổng Trời phiêu lãng hay ngắm nhìn bình minh trên đỉnh núi Hàm Rồng; Sapa ngày nay còn nổi tiếng với những cánh đồng dược liệu trù phú, đặc biệt là cây dược liệu atiso. Cây atiso hiện được trồng ở các vùng có khí hậu ôn đới như Ðà Lạt (Lâm Ðồng), Sa Pa (Lào Cai), Tam Ðảo (Vĩnh Phúc) nhưng atiso trồng tại Sapa mới được coi là có chất lượng tốt nhất.
Đây là nguyên liệu chính để sản xuất thuốc bổ gan Boganic - thương hiệu dược phẩm nổi tiếng và bán chạy bậc nhất trên thị trường Việt Nam. Nhằm chuẩn hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, Traphaco đã dày công nghiên cứu, thúc đẩy phát triển nguồn nguyên liệu sạch đạt chuẩn GACP – WHO. Người được tin tưởng giao trọng trách này không ai khác đó chính là Dược Sỹ Đỗ Tiến Sỹ. Ông là người đồng sáng tạo ra sản phẩm này và là 1 trong 3 người nghiên cứu thành công thuốc bổ gan Boganic.
Ngay sau khi ra mắt trên thị trường vào năm 1999 và 3 năm sau đó, sản phẩm xuất sắc này đã nhanh chóng "bước" vào danh mục thuốc thiết yếu. Sau 20 năm, thuốc vẫn được tin dùng trên toàn quốc. Hiệu quả, tính an toàn đã được kiểm chứng trong những bệnh viện hàng đầu Việt Nam và được giới khoa học đánh giá cao. Công trình Khoa học “Nghiên cứu sản xuất thuốc bổ gan - giải độc Boganic từ dược liệu” cũng nhận được Giải Nhất - Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2011.
Ngược dòng quá khứ, Traphaco Sapa được thành lập năm 2001. Nhưng 10 năm sau đó, đơn vị này vẫn chưa thoát khỏi các hoạt động chắp và và thua lỗ. Năm 2010, Dược sỹ Đỗ Tiến Sỹ được phân công nhiệm vụ lên đây và mọi sự mới bắt đầu dần thay đổi. Sau gần 1 năm nằm vùng, ông được giao trọng trách Giám đốc Traphaco Sapa và hành trình xây dựng một Traphaco Sapa mới gắn liền với tên tuổi của ông.
Trước lúc dời Công ty mẹ Traphaco đến vùng đất mới, Dược sỹ Đỗ Tiến Sỹ từng là Phó trưởng Phòng nghiên cứu của Traphaco, là người đồng sáng tạo ra sản phẩm thuốc Boganic nên ông hiểu được tiềm năng lớn về thị trường sản phẩm. Bước chân lên Sapa, xây dựng vùng nguyên liệu atiso phục vụ việc bào chế thuốc Boganic, ông mang theo niềm tin lớn lao vào công việc mình làm. Niềm tin về khả năng tạo ra vùng trồng dược liệu qui mô lớn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế ngay tại mảnh đất này.
Có điều, đường lên Sapa khi đó khá khó khăn, chưa được mở rộng được như bây giờ, thành ra mỗi lần di chuyển là một cực hình. Nhưng ông vẫn như những “cánh chim bay” liên tục đi đi về về giữa Hà Nội - Sapa, phần thăm gia đình, phần kết nối công việc. Ông từng tâm sự, mỗi lần di chuyển từ Hà Nội lên Sapa là mất cả một ngày trời, vất vả vô cùng. Thêm vào đó, việc dời nhà từ Hà Nội lên Sapa cũng đồng nghĩa với bỏ lại vô số mối quan hệ đã dày công tạo dựng, còn phải đối mặt với nỗi lo lắng của người thân, gia đình. Có điều ông cũng nói, lo lắng là vậy nhưng vợ con ông vẫn ủng hộ việc ông làm, đó là động lực để ông vượt qua khó khăn.
Nhưng điều làm người ta dễ nản lòng nhất đó là lúc trái nắng, trở trời, đau ốm mà không có một ai ở bên cạnh. Mặc dù, nhiều người thích tới Sapa ngắm cảnh, du lịch, nhưng việc sống một vài ngày trong một chuyến du lịch khác hoàn toàn với sống nơi đó toàn thời gian. Ông kể, nhiều hôm, sau giờ làm việc và khi nhân viên đã về hết rồi, một mình ông lủi thủi với cái bóng của mình trong không gian tĩnh mịch mới thấy thấm thía cảm giác cô độc. Mùa Đông, trong cái lạnh giá thấu xương lại thêm sự cô độc trong nhiều ngày rất dễ khiến người ta rơi vào trạng thái trầm tư, tiêu cực, buồn nản. Có điều, con người ông khá mạnh mẽ và lạc quan, ông lại cũng yêu thích văn hóa bản địa và có một giai đoạn đầu đời từng sống tại Sơn La, khi mới 13 tuổi. Sơn La hay Lào Cai đều thuộckhu vực miền núi Tây Bắc, khí hậu lạnh giá và khắc nghiệt gần giống như nhau. Có lẽ vì thế mà sức chịu đựng của ông trở nên dẻo dai hơn những đồng nghiệp khác và việc hòa nhập cũng trở nên dễ dàng hơn.
Và sau hơn một thập kỷ làm việc tại đây, ông và các cộng sự của mình đã thay đổi tận gốc rễ các vấn đề về canh tác. Từ chỗ thay đổi thói quen canh tác atiso nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu theo phong tục của người dân. Sau những nỗ lực của Traphaco Sapa và chính quyền địa phương, ngày nay, khắp Sapa, Bắc Hà đã được qui hoạch thành những cánh đồng mẫu lớn, có năng suất, chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới về thực hành tốt nuôi trồng và thu hái (GACP-WHO). Sản lượng thu hoạch atisô cũng tăng từ 100 tấn lá tươi lên gần 2.000 tấn mỗi năm. Nguồn lợi kinh tế mà atiso mang lại cho người trồng cao gấp 3 đến 5 lần so với các loại cây lương thực khác. Diện tích vùng trồng từ 3 ha nay tăng lên gần 100 ha. Hiện, có 300 hộ dân tham gia vùng trồng, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề khác có liên quan.
Ngoài việc đánh thức tiềm năng từ cây atiso, sự phát triển của đơn vị cũng tạo sự lan tỏa và cộng hưởng cho một hệ sinh thái các loại cây thuốc quí khác được bảo tồn, nhân rộng và thương mại hóa tốt hơn. Giờ đây, Sapa không chỉ trồng vài loài dược liệu mà còn trồng nhiều cây thuốc quí khác. Nhưng atiso vẫn được xem là một trong 5 loại cây trồng chủ lực của tỉnh Lào Cai, là loại cây trồng hiệu quả trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, với những đối tượng yếm thế trong xã hội như: Phụ nữ, người nghèo, những lao dôi dư tại chỗ mà không có khả năng dịch chuyển thì đó thực sự là cánh cửa thoát nghèo bền vững. Việc trồng dược liệu lại khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi này và cũng dễ dàng vì không mất nhiều thời gian chăm sóc như loại cây trồng khác.
Hàng năm, vào thời điểm tháng 5 đến tháng 7, khắp Sapa, Bắc Hà bung biếc sắc tím của loài hoa atiso. Cảnh sắc đẹp tuyệt vời này đã thực sự níu chân nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Vậy là, từ vùng trồng dược liệu, ngành Du lịch cũng có cơ hội chuyển mình mạnh mẽ theo. Những cánh đồng dược liệu trù phú đã tạo ra các không gian thưởng lãm tự nhiên thu hút những tín đồ du lịch đổ về, lan tỏa hình ảnh của địa phương. Từ đó thúc đẩy phát triển du lịch bản địa, đồng thời mang lại các nguồn thu nhập khác cho người dân.
Ngoài việc bán lá cho Công ty, người dân còn thu hoạch thêm hoa và thân cây atiso để ngâm rượu và chế biến trà atiso bán ra thị trường. Thật đáng mừng khi trăm lợi ích phát sinh "trên một con đường". Việc trồng dược liệu atiso của Traphaco Sapa đã đánh thức tiềm của vùng đất, đồng thời đem theo đó vô số cơ hội khác, làm phong phú đời sống bà con nơi đây cũng như đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế chung của địa phương.
Xây hình mẫu vùng nguyên liệu chuẩn
Trong giới làm dược liệu, việc xây dựng vùng nguyên liệu của Traphaco được đánh giá cao rất cao, trở thành hình mẫu kinh điển tại Việt Nam. Ở thời điểm chưa có đơn vị nào tại Việt Nam xây dựng vùng nguyên đạt chuẩn quốc tế thì Traphaco đã tiên phong. Traphaco Sapa cũng là đơn vị tiên phong tham gia vào mạng lưới toàn cầu của Liên minh thương mại đa dạng sinh học đạo đức UEBT (Union for Ethical Biotrade). Traphaco Sapa là thành viên của tổ chức này từ sớm vào năm 2014 và cũng là đơn vị khoa học đầu tiên của tỉnh Lào Cai. Những hành động này nói lên một điều: Traphaco luôn coi trọng tính liêm chính, bền vững của các dự án đang tiến hành tại các địa phương, tiêu biểu đó chính là hình mẫu của Traphaco Sapa.
Trên thực tế việc theo đuổi xây dựng vùng nguyên liệu rất tốn kém, nhiều rủi ro và có trăm ngàn khó khăn, gian khổ. Đây là công việc kén người, không phải ai cũng làm được và muốn làm. Nó không chỉ đòi hỏi phải có chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải có cách tiếp cận phù hợp. Quan trọng nhất là phải có tâm huyết, kiên trì và sự bền bỉ.
Ông kể cho tôi nghe một vài câu chuyện khó khăn ban đầu. Ông nói, lúc đầu, khi mở lớp tập huấn chỉ thấy hầu hết là nam giới đến dự nhưng khi vào làm việc thực tế lại toàn là phụ nữ. Rút kinh nghiệm lần sau, đơn vị phải mời cả hai vợ chồng của một hộ sản xuất cùng tham gia. Bên cạnh đó, rất nhiều chuyện vướng mắc khó khăn khác phát sinh như có tới 80% hộ dân là người dân tộc ít người và rất ít người trong số họ hiểu được tiếng phổ thông. Những buổi vận động, thuyết trình trở thành buổi “độc thoại” của cán bộ vì nói không ai hiểu. Cuối cùng, đơn vị phải mời cán bộ huyện, cán bộ xã cùng tham gia phiên dịch, làm việc chung.
Giải quyết vấn đề ngôn ngữ xong, lại đến vấn đề về kỹ thuật. Công ty phải cho người vừa tập huấn trên hội trường vừa thực hiện trình diễn ngay tại ruộng đồng, theo hình thức cầm tay chỉ việc, mất rất nhiều thời gian, công sức. Nhưng phải kiên trì làm từng bước một, đi sâu đi sát với bà con nông dân, động viên họ lập các nhóm sản xuất, cử người đại diện ghi chép, phổ biến các hướng dẫn và kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh. Đây chỉ là một vài ví dụ nhỏ trong trăm ngàn khó khăn, vướng mắc lúc ban đầu mà ông và tổ chức buộc phải xử lý hàng ngày. Công việc lúc đó với ông giống như là có con mọn, trăm thứ việc không tên và luôn tay luôn chân.
Nói điều này để thấy được những vất vả, bộn bề lo toan của những người làm dược liệu khi đó. Bên cạnh việc vắt óc xây dựng lực lượng trên dưới, trong ngoài thì còn phải lo toan các việc khác một cách chi tiết, cụ thể, tỉ mỉ. Phải kiên trì vận động và đi từng bước một, người nóng vội không thể làm được việc này. Việc thúc đẩy tiến độ dự án từ những người nông dân miền núi còn chưa từng biết đến chữ quốc ngữ, nói chi đến các kiến thức cao siêu, quả thực là quá khó. Dược Sỹ Đỗ Tiến Sỹ phải cùng tập thể giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ và dàn trải từ năm này qua năm khác mới hình thành được một dự án đúng chuẩn. Đó thực sự là nỗ lực phi thường của những người làm dự án.
Bên cạnh việc trồng cây atiso, ngày nay, Traphaco Sapa còn đang trồng các loại dược liệu khác như chè dây, chè vằng, sản lượng khoảng 100 tấn khô/năm và 20 ha vùng trồng. Đơn vị cũng đồng hành cùng với người dân Bắc Hà phát triển mở rộng thêm một số cây dược liệu khác như đương quy, đan sâm...
Mở rộng đường đi
Như vậy, sau hơn một thập kỷ gắn bó với mảnh đất Sapa, bằng tài năng và thiên hướng tự nhiên của mình, Dược sỹ Đỗ Tiến Sỹ đã cùng tập thể cán bộ công nhân viên nơi đây và chính quyền địa phương "đánh thức vùng đất Sapa". Đưa nơi đây trở nên tràn đầy sức sống với màu xanh của các loài dược liệu. Đồng thời, lan tỏa mạnh mẽ những thế mạnh và lôi kéo các nguồn lực khác cho công cuộc phát triển kinh tế địa phương. Công ty đã trực tiếp tạo ra hàng ngàn việc làm cho gần 80% người dân tộc có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu; gián tiếp tạo ra hàng ngàn việc làm khác trong các hoạt động kinh tế khác có liên quan.
Thành công từ việc trồng dược liệu cũng đem đến nguồn lực mới cho đơn vị mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Dù vậy, Công ty vẫn không muốn đi lạc khỏi giá trị cốt lõi ban đầu, đó là tập trung vào phát triển đông dược địa phương. Thực tế, việc cải thiện một nền Y tế hoàn hảo phải bắt nguồn từ việc xây dựng vùng trồng dược liệu chuyên biệt tốt làm nền móng cho bào chế thuốc đi đúng hướng và có hiệu quả và Traphaco đã làm rất tốt điều này.
Và để mở rộng theo định hướng này, Traphaco Sapa đang thực hiện một dự án cấp nhà nước khác: “Hoàn thiện quy trình sản xuất một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ nấm đông trùng hạ thảo (cordyceps militaris) tại huyện Sapa – Lào Cai”. Đây là chủng nấm Nhật Bản (do Elipha chuyển giao) được nuôi trồng bán tự nhiên trong không khí mát lạnh, độ ẩm sương giáng và tuyết trắng Sapa. Vì thế nó được mệnh danh là "Vàng ròng trong tuyết Sapa". Sản phẩm đang trong quá trình thương mại hóa và phát triển thương hiệu. Một khi bước vào quá trình tăng tốc chắc chắn sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn, doanh thu, lợi nhuận lớn cho đơn vị.
13 năm một con đường và Dược Sỹ Đỗ Tiến Sỹ đã cùng Traphaco Sapa viết lên câu chuyện đẹp. Với cách làm việc uyển chuyển, khéo léo tận dụng nguồn lực địa phương và doanh nghiệp một cách có hiệu quả, ông đã làm được rất nhiều việc và thực hiện tốt sứ mệnh mà cuộc đời đã trao cho. Trên thực tế, có rất nhiều sự lựa chọn và các phương pháp làm việc hiệu quả, nhưng cái nào phù hợp với bản thân, nguồn lực của doanh nghiệp, địa phương thì không phải ai cũng định lượng đúng và ứng dụng một cách hiệu quả. Nhưng những gì mà ông đang làm thực sự có hiệu quả. Mặc dù, doanh thu của đơn vị mới rơi vào khoảng 70 tỷ đồng/năm là bình thường và mức lợi nhuận vài tỷ/năm cũng là chưa lớn. Nhưng ở một nơi hạn chế về nguồn lực như Lào Cai thì thành công của dự án là điều cực kỳ có ý nghĩa.
Việc phát triển kinh tế vùng dược liệu còn đem theo các lợi ích khác như: Đảm bảo bình đẳng giới, thông qua quyền làm chủ kinh tế của phụ nữ trong gia đình. Bên cạnh những buổi tập huấn về kinh nghiệm sản xuất, đơn vị còn tuyên truyền vận động nếp sống văn minh, nâng cao kiến thức thường thức về đời sống, đưa các tiến bộ kỹ thuật mới vào cộng đồng. Việc phát triển vùng trồng dược liệu còn giúp bảo tồn nguồn gen cây thuốc quí, bảo vệ quỹ đất và đa dạng sinh học. Mặt khác, góp phần gìn giữ một Sapa với vẻ đẹp nguyên sơ nhằm bảo tồn cho các hoạt động du lịch sinh thái. Đi theo con đường này, Traphaco Sapa không lấy doanh thu, lợi nhuận làm thước đo duy nhất cho sự thành công của mình mà còn hướng đến giữ gìn cảnh quan môi trường, giữ gìn bản sắc vùng miền. Cùng xây dựng kinh tế địa phương phát triển theo hướng bền vững.
Người ta thường nói, một cuộc đời thành công chính là tìm ra sứ mệnh của mình và hoàn thành nó một cách tốt nhất. Với Dược Sỹ Đỗ Tiến Sỹ, ông không những tìm ra được sứ mệnh của mình mà còn đang làm rất tốt. Ông đã và đang sống một cuộc sống có ý nghĩa với nhiều người và hạnh phúc với công việc mình làm...