Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam

Dù chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu khó khăn, song cũng có thể “chắp cánh” cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển ở cả thị trường quốc tế và trong nước.
tvd-4089-1729148321.jpg
TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phát biểu tại diễn đàn. Ảnh BTC

Đó là thông tin từ Diễn đàn Kinh tế mới 2024, với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp”. Diễn đàn do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức ngày 16/10.

Chia sẻ tại diễn đàn, TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Trong những năm qua, Việt Nam đã liên tục cải thiện vị thế trong xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đặc biệt trong năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới, bao gồm chỉ số nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam được đánh giá là nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, và dự báo đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP của Việt Nam.

Không chỉ dừng ở câu chuyện trong nước, Viện trưởng CIEM cho biết, Việt Nam đã chủ động hợp tác với các đối tác phù hợp về các nội dung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Việt Nam và Singapore đã thiết lập Quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh từ năm 2023.

Mặc dù vậy, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng cộng đồng doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều, và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Đối với các cơ quan hoạch định chính sách, đây chính là một thực tế đáng lo ngại, không chỉ về chất lượng của các văn bản mà còn về việc thiếu các thực tiễn ở cấp độ doanh nghiệp để xây dựng các chính sách cụ thể, “sát sườn” hơn. Chẳng hạn, nếu không có thông tin, phối hợp từ các doanh nghiệp thì các cán bộ, công chức sẽ không bao giờ tự nghiên cứu, tự cụ thể hóa được các tiêu chuẩn riêng cho dự án kinh tế tuần hoàn trong một lĩnh vực cụ thể.

Ngay cả CIEM rất nhiều kinh nghiệm về sử dụng các mô hình định lượng để đánh giá tác động của chính sách, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn để “lượng hóa” tác động của đề xuất chính sách cho kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp. Thiếu thông tin, chia sẻ về những bài học thành công và thất bại của các doanh nghiệp đi trước cũng sẽ khiến các doanh nghiệp phải mày mò, tốn chi phí, thậm chí ngại đầu tư cho chuyển đổi.

Trong chừng mực ấy, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu khó khăn, song cũng có thể “chắp cánh” cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển ở cả thị trường quốc tế và trong nước.

Do đó, theo đại diện CIEM, mỗi quốc gia và doanh nghiệp cần phải xây dựng những chiến lược phù hợp để khai thác tối đa tiềm năng và cơ hội từ hai cuộc cách mạng này, nhằm đạt được tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Đây là yếu tố quyết định, thể hiện năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế và doanh nghiệp.

tvd-4154-1729148317.jpg
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh BTC

Chia sẻ tại Diễn đàn về thực tế hành trình chuyển đổi kép của doanh nghiệp, ông Đặng Vũ Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn PPJ Group cho biết, cho rằng, khi chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đi cùng nhau sẽ tác động tạo nên động lực cho nhau. Công nghệ số giúp sản sản xuất xanh và sự tăng trưởng xanh của doanh nghiệp, tạo sự bền vững vượt trội.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, từ thực tiễn của doanh nghiệp đi đầu trong ngành dệt may, để thực hiện tốt quá trình chuyển đổi kép đều là thử thách, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp mà tiềm lực còn hạn chế thì thử thách này trở nên khuếch đại nhiều lần. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp ngành dệt may, bài toán này càng phức tạp với đặc thù sử dụng nhiều lao động thủ công và tiêu thụ lượng lớn tài nguyên.

Nhìn nhận từ vấn đề này từ sớm, PPJ Group đã nỗ lực chuyển đổi toàn diện, xuyên suốt chuỗi cung ứng, đưa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trở thành văn hóa trong quản trị, thành tư duy của đội ngũ. Trong hành trình chuyển đổi đầy thử thách của mình, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn mà một trong những thách thức lớn nhất là bài toán về chi phí, tài chính.

Trước những khó khăn trên, để hỗ trợ doanh nghiệp, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, cho rằng quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần được thực hiện song song để đạt hiệu quả, bởi tiết kiệm năng lượng là yếu tố vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, TS Cấn Văn Lực đã đề xuất ba giải pháp dài hạn quan trọng. Đầu tiên, ông nhấn mạnh việc cần sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia, điều đã được kiến nghị từ năm ngoái. Mặc dù năng suất lao động có cải thiện nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng, nên cần khẩn trương thành lập ủy ban này.

Thứ hai, ông cho rằng khoa học công nghệ sẽ là mũi nhọn phát triển trong thời gian tới, tuy nhiên cơ chế thử nghiệm sandbox trong ba năm để phát triển fintech và AI vẫn chưa được triển khai. Bên cạnh đó, các luật về Công nghiệp công nghệ số và Khoa học công nghệ cần được thông qua sớm để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Cuối cùng, doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh không chỉ cần chính sách hỗ trợ mà còn phải có thêm nguồn lực bổ sung.

Ông Lực nhấn mạnh rằng, để làm tốt những điều trên thì 2 vấn đề quan trọng là nguồn lực hỗ trợ và chế tài. Do đó, ông đề xuất nên thành lập quỹ chuyển đổi xanh, bởi theo vị chuyên gia này: “Để làm tốt điều trên, cần có củ cà rốt và cây gậy - quỹ sẽ giúp khuyến khích chuyển đổi xanh sớm hơn, nhanh hơn, còn chế tài - chính là cây gậy, giúp xử lý và phân loại rác thải tốt hơn”./.

Hương Lan