Chương trình "Nghìn năm rác nhựa" góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Mới đây, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) và Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đã tổ chức Chương trình truyền thông “Nghìn năm rác nhựa”.

Ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, ô nhiễm nhựa hiện đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng với môi trường và sinh vật biển, cũng như ảnh hưởng đến nhiều vấn đề kinh tế, xã hội toàn cầu.

Ước tính hàng năm có khoảng 4,8 đến 12,7 triệu tấn nhựa thải vào các đại dương trên thế giới. Trên phạm vi toàn cầu, 32% chất thải bao bì đang rò rỉ ra môi trường. Chính vì vậy, chương trình truyền thông “Nghìn năm rác nhựa” tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long được tổ chức với kỳ vọng truyền tải những thông điệp giảm thiểu sử dụng túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần đến người tiêu dùng nhằm giảm ô nhiễm chất thải nhựa ra môi trường”.

rac-1667729286.jpg
Chương trình kết hợp trình diễn nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật múa tái hiện lại những hành vi tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần. (Ảnh: MT&ĐT)

Theo ghi nhận, chương trình đã kết hợp trình diễn nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật múa tái hiện lại những hành vi tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần không hợp lý tạo ra những tác hại nghiêm trọng đối với con người và môi trường.

Các nhân vật gồm: Quái Đất, Quái Nước, Quái Khí xuất hiện với những hình ảnh vừa đáng sợ, vừa đáng thương. Chúng là hiện thân cho hậu quả của những hành vi tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần bừa bãi.

quay-thu-1667729350.jpg
Chương trình được tổ chức nhằm truyền tải thông điệp thay đổi hành vi để giảm ô nhiễm chất thải nhựa. (Ảnh: MT&ĐT)

Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý – Giám đốc Chương trình Giảm Nhựa của WWF Việt Nam hy vọng thông qua chương trình, các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, ước tính, Việt Nam đã thải ra trên 31 triệu tấn rác thải sinh hoạt và gần 5 triệu tấn rác thải nhựa chỉ riêng trong năm 2018.

Nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom chủ yếu bởi những người nhặt rác (ve chai, đồng nát) và tái chế bởi các doanh nghiệp nhỏ.

Như chúng ta đã biết, rác thải nhựa làm tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, đe dọa tồn tại của các sinh vật biển, tăng tốc độ suy thoái của các quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương.

Nghiêm trọng hơn, hạt vi nhựa phân rã ra tự nhiên có mặt trong nước, hải sản, không khí và có thể hấp thụ vào cơ thể con người qua đường ăn uống, hô hấp, để lại những tác hại tiềm ẩn khó lường đối với sức khỏe.

Hy vọng, sẽ có nhiều chương trình hoạt động như chương trình truyền thông “Nghìn năm rác nhựa” để góp phần nâng cao ý thức mỗi người trong bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Hoàng Hà (t/h)