Theo báo cáo của OECD, lượng sản phẩm nhựa được sản xuất dựa vào nguyên liệu hóa thạch hằng năm trên thế giới dự kiến sẽ vượt 1,2 tỷ tấn vào năm 2060 và rác thải sẽ vượt mức 1 tỷ tấn. Ngay cả khi hành động tích cực để giảm nhu cầu đối với sản phẩm nhựa và cải thiện hiệu quả sử dụng, sản xuất đồ nhựa cũng sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 40 năm. Tuy nhiên, các chính sách phối hợp toàn cầu có thể thúc đẩy tỷ lệ rác thải nhựa được tái chế trong tương lai, từ 12% lên 40%.
Ngày càng có nhiều báo động quốc tế về khối lượng và mức độ phổ biến của ô nhiễm nhựa cũng như tác động của nó. Hoạt động này thâm nhập đến cả những nơi xa xôi và nguyên sơ nhất trên thế giới, những hạt vi nhựa đã được phát hiện trong bụng cá ở nơi sâu nhất của đại dương, hoặc mắc kẹt bên trong những tảng băng ở Bắc Cực. Các mẩu nhựa được cho là gây ra cái chết của hơn 1 triệu con chim biển và hơn 100.000 động vật có vú mỗi năm.
Ông Mathias Cormann - Người đứng đầu OECD cho biết: "Ô nhiễm nhựa là một trong những thách thức môi trường lớn của thế kỷ 21, gây thiệt hại trên diện rộng đối với các hệ sinh thái và sức khỏe con người".
Từ những năm 1950, khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất, trong đó hơn 60% được ném vào các bãi rác, chôn lấp, đốt, hoặc đổ xuống sông và biển. Khoảng 460 triệu tấn nhựa được sử dụng trong năm 2019, gấp đôi so với 20 năm trước đó. Lượng rác thải nhựa cũng tăng gần gấp đôi, vượt 350 triệu tấn, trong đó chưa đến 10% được tái chế.
Theo OECD, cùng với tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số, sản xuất đồ nhựa sẽ tăng. Tuy nhiên, các chính sách xử lý rác thải có thể tạo sự khác biệt lớn. Hiện nay, gần 100 triệu tấn rác thải nhựa chưa được quản lý hoặc được cho phép thải ra môi trường. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2060. Báo cáo kết luận: "Các nỗ lực phối hợp và tham vọng trên toàn cầu có thể loại bỏ hầu hết ô nhiễm nhựa vào năm 2060".
Ở diễn biến khác, vào hồi đầu năm nay, Liên hợp quốc đã khởi động một tiến trình phát triển, một hiệp ước mang tính ràng buộc quốc tế nhằm hạn chế ô nhiễm nhựa.