Sáng 31/5, tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo giới thiệu Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 với chủ đề Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình.
Tham dự sự kiện có các đồng chí: Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hà Kim Ngọc - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đinh Như Hoan - Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân.
Về phía tỉnh Quảng Trị có các đồng chí Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban tổ chức lễ hội.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Việt Nam là nước yêu chuộng hòa bình. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm để giành và bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Trải qua những cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, chịu đựng biết bao mất mát, hy sinh, hơn ai hết, dân tộc Việt Nam nhận rõ giá trị của hòa bình. Bởi vậy, yêu chuộng hòa bình là một trong những truyền thống nổi bật, là nét đẹp văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây từng được xem là “chiến địa”, “trấn biên”, phên dậu” và ba lần được chọn làm thủ phủ của đất nước.
Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, Quảng Trị là nơi gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh, nơi mà câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại” (tobe or not tobe) trong vở kịch “Hăm-lét” của Sếch-xpia, nhà văn hào vĩ đại của nước Anh và nhân loại luôn đặt ra từng phút, từng giây đầy cam go, thử thách, chính là nơi mang khát vọng hòa bình bất diệt, từng làm lay động mạnh mẽ, sâu sắc lương tri nhân loại yêu chuộng hòa bình.
Nơi đây, “đất thiêng đã nở đóa hoa hòa bình”, Quảng Trị đã hồi sinh và vươn mình lớn dậy, khởi sắc trên tro tàn đổ nát của chiến tranh, trong thế giới hòa bình và hội nhập. Vì lẽ đó, Quảng Trị là nơi lựa chọn ứng hợp nhất, nơi của những nhịp cầu kết nối, nơi của những điểm chạm sâu thẳm trong lòng người để tổ chức một lễ hội lần đầu tiên tại Việt Nam với quy mô quốc gia, quốc tế - một lễ hội mang thông điệp Hòa bình.
Xuất phát từ ý nghĩa đó, tỉnh Quảng Trị đã ấp ủ, thai nghén Đề án tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình từ 5 năm trước với mục đích nhân văn lớn lao nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình; tri ân các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc, tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh; góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam; xây dựng Quảng Trị từng bước trở thành không gian văn hóa vì Hòa bình, điểm đến vì hoà bình, truyền đi thông điệp yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, kêu gọi nhân loại chung tay xây dựng nền hoà bình bền vững trên thế giới.
Việc tỉnh Quảng Trị đề xuất ý tưởng và lập Đề án tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ban ngành Trung ương và đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt..
Lễ hội Vì Hòa bình lần đầu tiên sẽ được tổ chức vào tháng 7/2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình” đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (21/7/1954 - 21/7/2024); kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; là sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch quy mô quốc gia, quốc tế trong giai đoạn 2024 - 2025 theo Quyết định số 3032/QĐ-BVHTTDL ngày 16/10/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay trên thế giới đang còn có nhiều điểm xung đột, Lễ hội Vì Hòa bình được tổ chức trên vùng đất đã từng bị hủy diệt bởi chiến tranh sẽ truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kêu gọi nhân loại yêu chuộng hòa bình chung tay xây dựng nền hòa bình bền vững cho thế giới; góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam.
Để các hoạt động Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 được lan tỏa sâu rộng, thu hút được sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, lan tỏa thông điệp hòa bình, hạnh phúc ngay trên mảnh đất từng bị chiến tranh hủy diệt, tạo được thương hiệu riêng thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Trị. UBND tỉnh Quảng Trị mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên báo chí trong nước và quốc tế, các phương tiện thông tin đại chúng, những người sáng tạo nội dung số, những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội… trong việc truyền tải thông tin, quảng bá các hoạt động của Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024, quảng bá điểm đến Quảng Trị là điểm đến vì Hòa bình, điểm đến của tình yêu và khát vọng Hòa bình bất tận, vì sự bình yên và thịnh vượng chung trên “Trái đất này là của chúng mình”.
Phát biểu tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Quảng Trị là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, đặc biệt là mảnh đất kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ với dày đặc các di tích lịch sử cách mạng. Sáng kiến tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình từ mảnh đất chịu nhiều đau thương bởi chiến tranh thể hiện khát vọng vươn lên và tình yêu hòa bình của đất nước, con người Việt Nam nói chung cũng như con người Quảng Trị nói riêng. Lễ hội là hoạt động ý nghĩa, chứa đựng nhiều thông điệp về giá trị lịch sử, cách mạng, hướng tới hòa bình, tạo tiền đề giúp địa phương thu hút du khách, phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của địa phương".
Thứ trưởng Tạ Quang Đông mong muốn Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 sẽ là minh chứng sống động cho khát vọng khi Quảng Trị đón nhận bạn bè quốc tế, cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, đoàn kết và phát triển, biến quá khứ đau thương thành động lực mạnh mẽ cho những bước tiến mới.