Khởi động dự án Cảng hàng không Quảng Trị

Ngày 15/12/2023, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị và Liên danh nhà đầu tư T&T Group - CIENCO4 đã tổ chức Lễ khởi động dự án Cảng hàng không Quảng Trị. Tham dự có ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị và các Sở, ngành địa phương; đại diện nhà đầu tư.
z4976802959180-a6115619968fbc2232bc7f216b841ff2-1702621798.jpg
Các đại biểu ấn nút Khởi động Dự án Cảng hàng không Quảng Trị

Ngày 15/12/2023, UBND tỉnh Quảng Trị và Liên danh nhà đầu tư T&T Group - CIENCO4 đã tổ chức Lễ khởi động dự án Cảng hàng không Quảng Trị, đánh dấu việc chính thức triển khai dự án nhằm hoàn thiện mảnh ghép tiếp theo trong mạng lưới giao thông của tỉnh, góp phần giúp Quảng Trị khai phóng tiềm năng, tạo đòn bẩy đưa kinh tế - xã hội địa phương “cất cánh”.

Xây dựng sân bay xứng tầm

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021 và được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2023 với mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, xã hội; đồng thời đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực Trung Bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải.

Dự án Cảng hàng không Quảng Trị được thực hiện tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là vị trí trọng điểm của miền Trung, kết nối giữa giao thông Bắc Nam về Quốc lộ 1 - đường Hồ Chí Minh và giao thông Bắc Nam với trục Hành lang Kinh tế Đông - Tây qua Quốc lộ 9 và cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, là cửa ngõ quan trọng để thu hút hành khách đến tiểu vùng sông Mekong vào miền Trung Việt Nam. Dự án có quy mô trên 265 ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là 5.833,9 tỷ đồng; được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, cho phép khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ theo quy hoạch tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ (khi có nhu cầu) và sân bay quân sự cấp II, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.

Sân bay Quảng Trị được xác định là một trong 28 cảng hàng không nằm trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 và được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 188/QĐ-BGTVT ngày 26/1/2021. Đồng thời, đây cũng là 1 trong số 33 cảng hàng không nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2023 vừa qua.

Tại sự kiện khởi động dự án, UBND tỉnh Quảng Trị đã trao Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp dự án PPP cho Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T (thành viên Tập đoàn T&T Group) và Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4.

Khát vọng “cất cánh” vùng đất giàu truyền thống lịch sử

Quảng Trị sở hữu vị trí địa kinh tế - chính trị quan trọng, là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia; đặc biệt tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC), tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar - Thái Lan - Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam và mở rộng ra khu vực ASEAN.

Quảng Trị đang có tốc độ phát triển nhanh và bền vững. Ngoài Khu kinh tế Đông Nam, Quảng Trị còn có 2 cửa khẩu quốc tế là Lao Bảo và La Lay, lại nằm trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây (được xác định là trục xương sống kết nối chặt chẽ với các trục hành lang kinh tế Bắc - Nam). Bên cạnh đó, với định hướng phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của miền Trung và cả nước vào năm 2030, Quảng Trị đã và đang trở thành “đất lành” thu hút nhiều nhà đầu tư năng lượng đến “làm tổ”.

Đáng chú ý, Quảng Trị là một trong số các tỉnh sở hữu thế mạnh du lịch vượt trội với đường bờ biển dài 75km, các hang động, thác nước hùng vĩ, các khu bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử cách mạng quan trọng. Có lẽ hiếm nơi đâu có hệ thống di tích gắn với các cuộc chiến tranh trong lịch sử dân tộc dày đặc như Quảng Trị. Trong đó, có thể kể đến các “địa chỉ đỏ” như Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị, Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải… Trong bối cảnh du lịch tâm linh, du lịch về nguồn tăng mạnh, dự báo lượng khách từ 2 đầu đất nước đổ về Quảng Trị để thăm lại chiến trường xưa, hay tham quan các di tích gắn với lịch sử dân tộc sẽ bùng nổ.

Có thể thấy, Cảng hàng không Quảng Trị không chỉ đơn thuần vận chuyển hành khách mà còn kết hợp cả hàng hóa, logistics, phục vụ phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, dịch vụ thương mại, đô thị sân bay… tạo cơ hội thu hút nhà đầu tư lớn với hàm lượng chất xám cao, phát triển công nghiệp xanh sạch, đảm bảo quốc phòng an ninh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hợp tác quốc tế. Cùng với các dự án như cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, Quốc lộ 15D từ Cảng biển Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay, đường xuyên Á nối Lào - Thái Lan, cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, cảng nước sâu Mỹ Thủy, tuyến đường sắt Mỹ Thủy - Đông Hà - Lao Bảo…, dự án Cảng hàng không sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ của tỉnh Quảng Trị trên các lĩnh vực không - thủy - bộ - sắt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

Theo ông Đỗ Quang Hiển, Nhà sáng lập, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group, Tập đoàn dành rất nhiều tâm huyết cho mảnh đất Quảng Trị linh thiêng, nơi thấm đẫm bao xương máu của các Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. T&T Group quyết tâm gắn bó, đồng hành cùng địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư thành công Cảng hàng không Quảng Trị, đưa dự án trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển; đồng thời trở thành cầu nối gắn kết, kết nối nhân dân cả nước hướng về vùng đất thiêng Quảng Trị.

Xác định Quảng Trị là một trong những địa bàn trọng điểm, trong nhiều năm qua, T&T Group đã khảo sát, nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội và xúc tiến đầu tư nhiều dự án quan trọng tại đây như Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng; Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải; Khu đô thị phía Đông thành phố Đông Hà; Khu đô thị phức hợp, nghỉ dưỡng và sân golf Cam Lộ... Bên cạnh đó, T&T Group cũng vinh dự được tài trợ xây dựng hệ thống các công trình điện chiếu sáng và âm thanh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Khu di tích Nghĩa Trủng Đàn; Dự án chỉnh trang cây xanh cảnh quan Khu trung tâm Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn; Khu lưu niệm di tích lịch sử - văn hóa chiến khu Ba Lòng.

Phát biểu tại buổi Lễ, Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, xác định đây là dự án quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa Cảng hàng không Quảng Trị vào danh mục các dự án trọng điểm để Ban Thường vụ chỉ đạo; đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị đã chủ trì tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về phương án đầu tư tối ưu nhất cho Cảng hàng không Quảng Trị, hội thảo nhận được nhiều đóng góp quý báu để Tỉnh hoàn thiện phương án đầu tư báo cáo Hội đồng thẩm định liên ngành, cũng như chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Trị theo thẩm quyền tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc hiện đại, phù hợp nhất với thực tế nhu cầu khai thác trong thời gian hiện nay, kiến trúc nhà ga hành khách được lựa chọn là phương án do Tập đoàn CPG Singapore thiết kế, đây là tập đoàn đã thiết kế sân bay Changi singapore.

Mặc dù việc triển khai Dự án còn gặp nhiều khó khăn như: là dự án đầu tiên của cả nước về đầu tư sân bay sau khi luật PPP và Nghị định 35/2021 của Chính phủ hướng dẫn luật PPP vừa có hiệu lực (Chính phủ quyết định chủ trương khi Nghị định 35/2021 vừa ban hành); dự án có quy mô lớn, phức tạp; việc phân kỳ đầu tư có một số hạng mục đến năm 2059 (sau năm 2050, ngoài thời gian định hướng quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ) mới đầu tư xây dựng, do đó quá trình lập dự án có nhiều cách hiểu khác nhau, cần nhiều thời gian để tổ chức tham vấn các Cục, Vụ chuyên môn của các bộ ngành như: Bộ Tư pháp; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tạo điều kiện của Trung ương; tỉnh Quảng Trị đã hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trình Hội đồng thẩm định liên ngành và nhận được sự đồng thuận của 13/13 Bộ, ngành Trung ương; đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Chủ tịch Hội đồng thẩm định liên ngành; Bộ Giao thông vận tải, Cục Quản lý đầu tư xây dựng - cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế cơ sở. Ngày 11/7/2023, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức họp và thông báo kết quả thẩm định tại Văn bản số 5979/BC-HĐTĐLN ngày 27/7/2023 và UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 1879/QĐ-UBND ngày 21/8/2023 phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả Dự án xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư với tổng mức hơn 5.821 tỷ đồng từ 100% vốn của Nhà đầu tư.

z4976810407425-917aef22eb55af504dde3fcc4f786967-1702621979.jpg
Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (ở giữa) trao quyết định phế duyệt lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị (ảnh: Đoàn Thuận)

Phát biểu tại buổi Lễ, đại diện nhà đầu tư khẳng định, "Quảng Trị – “Vùng đất lửa”, nơi trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, nơi biết bao người đã ngã xuống, tô thắm thêm truyền thống bất khuất, kiên cường trên quê hương anh hùng. Chiến tranh đã lùi xa nhưng tên đất, tên người Quảng Trị đã đi vào sử sách vang dội cùng non sông, đất nước Việt Nam như cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, Thành cổ, làng Vây, Khe Sanh, Đường 9, Cồn Tiên, Dốc Miếu…

Với ý chí kiên cường, vượt qua khó khăn để chiến thắng trong công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và chiến thắng trong xây dựng và phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Trị đã tạo được dấu ấn quan trọng về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư. Cùng với sự quan tâm, ủng hộ của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành, Quảng Trị đã có những bước đột phá về đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển, hàng không.

z4976810405177-51b5304d8bc8319ae2de89bfd11e2f6f-1702622134.jpg
Ông Trương Chí Trung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị trao Giấy chứng nhận thành lập Doanh nghiệp Dự án Cảng hàng không Quảng Trị (ảnh Đoàn Thuận)

Đầu tư xây dựng sân bay Quảng Trị theo hình thức PPP với phần vốn ngân sách nhà nước chỉ bố trí được cho Dự án thành phần 1 của dự án (phần giải phóng mặt bằng), Dự án thành phần 2 (phần đầu tư xây dựng Cảng hàng không) do nhà đầu tư bố trí. Đây là một thách thức cho nhà đầu tư, có nhiều ý kiến cho rằng "Tại sao lại đầu tư sân bay Quảng Trị"?

Thứ nhất, phải nói đến Trách nhiệm với những anh hùng đã hy sinh để giành độc lập tự do cho đất nước, Trách nhiệm với người dân Quảng Trị. Với lòng biết ơn sâu sắc, đời đời nhớ ơn những anh hùng đã hy sinh thân mình cho độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam, cho hạnh phúc và ấm no của nhân dân Việt Nam, Tập đoàn T&T quyết tâm đầu tư Sân bay Quảng Trị, mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng.

Thứ hai, Quảng Trị có tiềm năng rất lớn để phát triển lĩnh vực năng lượng, du lịch, giao thương kinh tế thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar – Thái Lan – Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam và mở ra khu vực ASEAN.

Thứ ba, Khi Sân bay Quảng Trị đi vào hoạt động sẽ tạo ra những cơ hội mới để phát triển, cơ hội cho các nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược, cơ hội để có thể thực hiện những dự án đầu tư có quy mô lớn phù hợp với xu thế của thế giới, đón nhận các đại bàng dịch chuyển và đầu tư vào Việt Nam".

Dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP). Địa điểm thực hiện dự án thuộc các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Quy mô đầu tư xây dựng dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn là Cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO); có khả năng phát triển cho khai thác tàu bay code E; cho phép khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ theo quy hoạch tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ (khi có nhu cầu) và sân bay quân sự cấp II đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5,0 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.

Tổng mức đầu tư: 5.821,073 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 1.091,960 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ 18,76%), Vốn vay tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác là 4.729,113 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ 81,24%).

Thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng: 2 năm (24 tháng). Thời gian thực hiện hợp đồng (vận hành, thu phí hoàn vốn): 47 năm 02 tháng. Thời gian thực hiện hợp đồng là dự kiến, thời gian cụ thể sẽ được xem xét, điều chỉnh trong quá trình vận hành, khai thác Dự án nhưng tối đa không quá 47 năm 02 tháng.

Dự án được thực hiện trên diện tích 265,372 ha (chưa bao gồm diện tích đất khu quân sự là 51,2 ha), trong đó: diện tích đất dùng chung là 177,642 ha, diện tích đất khu hàng không dân dụng là 87,73 ha. Đối với khu đất quân sự (51,2 ha) sẽ đầu tư khi Quân đội có nhu cầu.

Đoàn Thuận