Sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024

Trung ương xác định những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng còn lại của năm 2023 và cả năm 2024.
t-1698456548.jpg
Trung ương xác định sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.

Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã bế mạc ngày 8/10, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Tại hội nghị, Trung ương đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới.

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 - 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp nhiều ý kiến sâu sắc, toàn diện vào Tờ trình và các Báo cáo của Ban cán sự đảng, Chính phủ về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 - 2024. Trong đó, Trung ương tập trung thảo luận, phân tích sâu những đặc điểm nổi bật của năm 2023, làm rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải tiếp tục vượt qua.

Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, bám sát với tình hình thực tiễn, Trung ương xác định những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng còn lại của năm 2023 và cả năm 2024; sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.

Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất nhận định, trong 10 năm qua, đất nước ta đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ ta: Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định và hài hòa hơn.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên mọi miền đất nước được nâng lên. Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội vẫn còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém cần sớm có giải pháp khắc phục.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Nghị quyết lần này xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách xã hội để hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được; phân tích sâu sắc những hạn chế, khuyết điểm cần sớm được khắc phục; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá xác định rõ những chủ trương, chính sách tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./.