Đảm bảo đủ cải cách tiền lương Chính phủ đã trích lập 560 nghìn tỷ đồng

Thực hiện cải cách, tiền lương công chức, viên chức sẽ tăng hơn 32%, bao gồm lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%. Chính phủ đã trích lập được nguồn 560.000 tỷ đồng, đảm bảo đủ cải cách tiền lương đến năm 2026.
cai-cach-tien-luong-01-1714521776.jpg
Các Bộ đang xây dựng dự thảo Nghị định để thực hiện việc cải cách tiền lương (Ảnh minh hoạ)

Tiền lương công chức, viên chức sẽ tăng hơn 32%

Hiện nay, mức khởi điểm lương công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước khá thấp, chỉ khoảng 4 triệu 200 nghìn đồng một tháng đối với người có trình độ đại học. Ở các thành phố lớn, mức lương này sẽ khiến cho cán công chức viên chức chật vật trong chi tiêu, trang trải cho cuộc sống.

Vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024.

Dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng.

Như vậy ngân sách đã bố trí 562 nghìn tỷ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27/2018 của Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

cai-cach-tien-luong-03-1714521760.jpg
Nguyên tắc của tiền lương phải đảm bảo công bằng. Cùng một vị trí việc làm, lương phải ngang nhau. (Ảnh minh họa)

Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng.

Thực hiện cải cách, tiền lương công chức, viên chức sẽ tăng hơn 32%, bao gồm lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%. Chính phủ đã trích lập được nguồn 560.000 tỷ đồng, đảm bảo đủ cải cách tiền lương đến năm 2026.

Tất cả đều kỳ vọng, tiền lương sẽ được nâng lên và đủ sống

TS Vũ Quang Thọ, nguyên viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng: Những người làm công ăn lương đang chờ đón mong mỏi mức tăng này. Chính phủ quyết định tăng lương đó là cố gắng rất lớn, đáp ứng đủ kỳ vọng của chúng ta, trong bối cảnh giá thì tăng mà thu nhập dành cho quỹ lương thì có hạn...

Còn theo Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, lần cải cách chính sách tiền lương này sẽ tác động đến toàn bộ cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu từ ngân sách Nhà nước. Tất cả đều kỳ vọng, tiền lương sẽ được nâng lên và đủ sống và phải được trả theo đúng giá trị sức lao động theo nguyên tắc thị trường.

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi cho biết: "Nguyên tắc của tiền lương phải đảm bảo công bằng. Cùng một vị trí việc làm, lương phải ngang nhau. Bây giờ vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải xác định được vị trí việc làm. Và vị trí việc làm về cơ bản cũng đã có những chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Chính phủ, cũng đã đến gần cuối. Điều nó nó quyết định gắn vị trí việc làm đó với mức lương cụ thể theo quy định của hệ thống thang bảng lương. Thứ 2 là phải xác định được mức tiền lương thấp nhất và mức tiền lương trung bình là bao nhiêu".

cai-cach-tien-luong-02-1714521860.jpg
Hiện nay, mức khởi điểm lương công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước chỉ khoảng 4 triệu 200 nghìn đồng một tháng. (Ảnh minh họa)

Hệ thống thang bảng lương sắp tới sẽ được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo. Tuy nhiên, việc xây dựng vị trí việc làm cho từng người vẫn còn nhiều thách thức. Ví dụ, công chức viên chức đang phải làm nhiều công việc khác nhau nhưng chỉ được trả lương theo 1 vị trí việc làm nếu áp dụng lương mới; hoặc xây dựng vị trí việc làm ở cơ quan đơn vị hành chính đô thị gặp phải nhiều khó khăn, như có phòng ban không quá nhiều việc nhưng lại có tới 20 vị trí việc làm, có phòng ban quá nhiều công việc lại không có vị trí việc làm nào cả.

Ở đây cần sự hướng dẫn chi tiết và linh hoạt. Chỉ còn 2 tháng nữa đến mốc thời gian hoàn thiện một số chức danh vị trí việc làm để chính sách tiền lương mới bắt đầu có hiệu lực. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh việc thực hiện đúng theo thời gian đã đề ra.

Ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ cho biết: "Rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, phân định rõ nhiệm vụ đối với từng cơ quan, trên cơ sở đó sẽ xác định được đầy đủ vị trí việc làm của từng cơ quan, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Từ đó thực hiện trả lương cho đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng thì mới đảm bảo được mục tiêu của cải cách tiền lương lần này."

Trên tinh thần đó, hiện Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan, hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới. Các bộ ngành địa phương cũng đang chờ đợi thang bảng lương mới của Bộ Nội vụ, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 5 này./.

Bình Châu