Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế xã hội: Thực trạng và giải pháp

 

1) Những mặt đạt được

Đến nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19 đã được Đảng và Nhà nước triển khai liên tục. Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Tổng quy mô lên hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng, chia thành 4 nhóm giải pháp, trong đó, quy mô của các giải pháp nhóm thuộc chính sách tài khóa lên tới 237.650 tỷ đồng, chiếm 68,53%%, các giải pháp thuộc chính sách tiền tệ là 46.000 tỷ đồng, tương đương 13,26%, các giải pháp thuộc nhóm chính sách an sinh xã hội là 53.150 tỷ đồng, tương ứng 15,55%, và cuối cùng là các giải pháp khác là 10.000 tỷ đồng, tương ứng 2,88% tổng giá trị của chương trình.

Bảng 1: Cơ cấu, quy mô Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023

Chính sách

Nghìn Tỷ

Cơ cấu

% GDP đồng 2021

Chính sách tài khóa

237.65

68.53

2.83

Miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí

63.8

18.4

0.76

Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất

6

1.73

0.07

Tăng chi đầu tư phát triển

127.85

36.87

1.52

Hỗ trợ 2% lãi suất cho DN, HTX, hộ KD

40

11.53

0.48

Chính sách tiền tệ

46

13.26

0.55

Chỉ đạo các TCTD tiếp tục giảm chi phí quản lý để phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1% trong 2 năm

Chưa lượng hóa cụ thể

Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi

Tạo điều kiện để các TCTD đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất từ Chương trình

Chính sách an sinh xã hội

53.15

15.33

0.64

Cho vay ưu đãi thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm

10

2.88

0.12

Cho cá nhân vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân

15

4.33

0.18

Cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên

3

0.87

0.04

Bổ sung vay tín dụng thực hiện chương trình mục tiêu

0

quốc gia về phát triển KTXH vùng Đông bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030

9

2.6

0.11

Cho vay ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập

1.4

0.4

0.02

Hỗ trợ lãi suất cho vay các khoản vay trên 6%/năm của NH CSXH

3

0.87

0.04

Cấp bù lãi suất và phí quản lý cho vay các cơ sở bảo trợ XH, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm

2

0.58

0.02

Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm

3.15

0.91

0.04

Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

6.6

1.9

0.08

Chính sách khác

10

2.88

0.2

Phát triển hạ tầng viễn thông, internet

5

1.44

0.1

Sử dụng quỹ phát triển KHCN của DN để đối mới công nghệ

5

1.44

0.1

TỔNG

346.8

100

4.05

Nguồn: Nghị Quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 11/NQ-CP (30/1/2022) và tổng hợp

Như vậy, có thể thấy Chương trình hỗ trợ khôi phục nền kinh tế đang được Chính phủ triển khai rất đồng bộ và đã có sự tính toán kỹ lưỡng tránh sự chồng lấn giữa các giải pháp ở trong cùng một nhóm chính sách hay giữa các nhóm chính sách với nhau.

Theo báo cáo số 5617 /BC-BKHĐT và nghiên cứu của nhóm tác giả, sự phối hợp đồng bộ của các giải pháp nêu trên đã đem đến các kết quả tích cực.

- Các chính sách đưa ra đã được tính toán kỹ lưỡng, phối hợp với nhau tốt, không ảnh hưởng lớn đến các cân đối chủ chốt của nền kinh tế, sự an toàn tín dụng của hệ thống ngân hàng, các chỉ số kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, nhưng vẫn duy trì dư địa để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo. 

+ Tăng trưởng kinh tế vượt bậc: Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, kinh tế Việt Nam được dự báo có thể tăng trưởng 7,5% trong năm 2022, tăng mạnh so với 2,6% năm 2021;

+ Lạm phát vẫn được kiểm soát tốt: CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2022 tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng đầu năm lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân trung (2,54%). Mặc dù vấp phải sự bất ổn định của giá dầu và sự đứt gãy nguồn cung dưới sự ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ucraine

- Gói hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 196,7 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 340 nghìn người lao động đang làm việc trong 3,3 nghìn đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ 5,1 tỷ đồng cho gần 5000 người lao động quay trở lại làm việc tại khoảng 600 doanh nghiệp.

- Thị trường lao động dần phục hồi tích cực, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,4 triệu người cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,3 triệu người, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, các chính sách, giải pháp đã rất chủ động, linh hoạt và kịp thời giúp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, qua đó giúp xu hướng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng được củng cố và phát triển tích cực.

2) Một số bất cập

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số bất cập từ việc đề xuất, ban hành, triển khai thực thi các chính sách.

- Các chính sách đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, mà ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu giữa các ngành nghề cũng như các doanh nghiệp;

- Liều lượng chính sách còn khiêm tốn, cùng với đó là số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều, nên lợi ích từ chính sách bị dàn trải. Như trong bảng 1 chúng ta thấy rang, riêng chi cho đầu tư phát triển đã chiếm hơn 1/3 tổng giá trị các gói hỗ trợ (chiếm đến 36,87%);

- Nhiều chính sách hỗ trợ có quy trình xét duyệt còn phức tạp, các điều kiện để được hưởng chính sách chưa rõ ràng, các mục tiêu chưa được cụ thể, đặc biệt nhóm giải pháp thuộc chính sách tiền tệ;

- Các chính sách còn có sự mâu thuẫn, hạn chế lẫn nhau (công bố gói hỗ trợ lãi suất nhưng giới hạn mức tín dụng), đối tượng thụ hưởng chưa tập trung vào đúng đối tượng cần hỗ trợ (khi các tiêu chí xét duyệt hưởng các gói hỗ trợ chủ yếu lại tập trung vào các doanh nghiệp lớn), thời gian giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp rất ngắn nên phần doanh nghiệp được hỗ trợ rất nhỏ.

Bên canh đó, có nhiều nhóm chính sách vẫn chưa đem lại những mong đợi cho sự phục hồi của doanh nghiệp. Các vấn đề có từ nhiều phía, nhiều lĩnh vực, tuy nhiên có thể kể đến hai nhóm vấn đề quan trọng gây ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp, bao gồm các chính sách và các thủ tục hành chính.

Thứ nhất, chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng và Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định.

 Chính sách này với mục tiêu giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận vốn giá rẻ để phục hồi khả năng sản xuất của họ, tuy nhiên họ tiếp cận khá khó khăn bởi các doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện cho vay. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp. Có hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp, song không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì lý do chưa xác định được mức thu nhập bao nhiêu là thấp. Có hợp tác xã đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng không có hóa đơn VAT theo yêu cầu của Bộ Tài chính, mà chỉ có hóa đơn bán lẻ.

Thứ hai, các thủ tục hành chính còn rất rườm rà, phức tạp, làm giảm hiệu quả của chính sách, đặc biệt là có quá nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy công cuộc cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam đã có nhiều tiến triển, tuy nhiên mức độ phức tạp còn rất lớn, dẫn đến việc các chính sách tại Việt Nam có tính ứng dụng không cao, hoặc gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp. Để nhận một khoản tiền nhỏ hỗ trợ COVID-19, người lao động phải hoàn thiện quá nhiều hồ sơ giấy tờ phức tạp, dẫn tới họ không có động lực thực hiện việc này.

Thứ ba, chính sách nhà nước trong một số trường hợp đưa ra các tiêu chí phi thực tế, không sát đối với hoạt động doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp phải đảm bảo quá nhiều tiêu chí trước khi được ngân hàng cho vay ưu đãi nhưng phải có lãi ròng trong 3 năm hoạt động hay có tài sản thế chấp lớn.

Thứ tư, trong một số trường hợp, các văn bản luật khi được ban hành quá mơ hồ, thiếu hướng dẫn cụ thể, hoặc có quá nhiều văn bản hướng dẫn chồng chéo, khiến cho nhóm ngân hàng và doanh nghiệp khó khăn trong việc hiểu ý các văn bản luật, làm các chủ thể kinh tế này không thể mạnh tay khi triển khai văn bản luật.

3. Một số gợi ý giải pháp

1) Rà soát hệ thống các giải pháp, chính sách để hạn chế sự chồng chéo, cản trở lẫn nhau;

2) Tăng cường thông tin, truyền thông đưa các giải pháp đến gần hơn các đối tượng cần được hỗ trợ;

3) Chi tiết, cụ thể hơn các chính sách bằng các thông tư, hướng dẫn, văn bản cụ thể giúp các đối tượng thực thi được thuận tiện trong quá trình thực hiện

4) Lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về tính khả thi, dễ tiếp cận của chính sách, kể cả khi chính sách đã ban hành vẫn nên tiếp thu và có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

5) Cần rà soát cụ thể lại các chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp, tháo bỏ các giấy phép con không phù hợp và cập nhật các chính sách cũ, không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay.

6) Tăng tốc số hóa, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn trong quản lý hành chính, tích hợp các loại giấy tờ lên cùng một hệ thống để giúp các cơ quan hành chính thuận tiện hơn trong việc quản lý doanh nghiệp và công dân, từ đó hỗ trợ được doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình.

Nhóm tác giả: Khoa Kinh tế Chính trị-Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội)