Sản xuất, tiêu dùng bền vững và hoạt động thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp

Cùng với chuyển dịch năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) được xem là một trong những trụ cột quan trọng mà Bộ Công Thương đang triển khai nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Đó là phát biểu của ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng (Bộ Công Thương) tại Hội nghị “Kết nối cung - cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong sản xuất nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp” diễn ra ngày 14/10/2022 tại TP. Hồ Chí Minh.

Sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng của các quốc gia, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt.

1-1665748058.jpg
Toàn cảnh Hội nghị “Kết nối cung - cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong sản xuất nhằm thúc đầy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp” diễn ra ngày 14/10/2022 tại TP. Hồ Chí Minh.

Bộ Công Thương đảm nhận trọng trách quản lý nhà nước đối với lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, với mục tiêu tổng quát đến năm 2030: Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Tại Việt Nam kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất phải tiếp cận để xây dựng mô hình kinh doanh của mình theo mô hình CE - Nền sản xuất hàng hóa bền vững, tiết kiệm tài nguyên, Chính phủ đã ban hành Thông tư số 34/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; hướng dẫn thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý sản phẩm thải bỏ đối với nhà sản xuất, người tiêu dùng và các cơ sở thu gom và xử lý”.

2-1665748128.jpg
3-1665748139.jpg
4-1665748150.jpg
Các diễn giả, các nhà khoa học cùng lãnh đạo các doanh nghiệp trình bày tham luận tại Hội nghị “Kết nối cung - cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong sản xuất nhằm thúc đầy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp”.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thực hiện việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh theo mô hình CE, từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SCP) tại Quyết định số 76/QĐ-TTg với các nội dung triển khai nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp áp dụng các mô hình quản lý, kinh doanh, sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Đồng thời, tăng cường nhận thức cho cộng đồng, người dân thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và trách nhiệm hơn vì sự phát triển bền vững của chính cộng đồng.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai một số mô hình điển hình theo hướng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, điển hình là: Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình sử dụng thí điểm các dạng năng lượng thay thế; Áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các cơ sở công nghiệp; Xây dựng, phổ biến và nhân rộng các mô hình trình diễn thành công về sử dụng năng lượng thay thế trong các cơ sở sản xuất kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; Phát triển, triển khai nhân rộng các mô hình trình diễn các dạng năng lượng tái tạo tại chỗ (như mặt trời, khí sinh học…) quy mô công nghiệp; Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho một số ngành; tính toán và xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp, áp dụng xây dựng cho ngành phân bón; xây dựng tài liệu kỹ thuật và nâng cao năng lực về thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng đối với sản phẩm bao bì.

5-1665748285.jpg
6-1665748300.jpg
Sản phẩm mỏ hàn xung, máy nung bulon, mỏ hàn Cell pin của Công ty Cổ phần Công nghệ WELGUN trưng bày tại Hội nghị “Kết nối cung - cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong sản xuất nhằm thúc đầy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp”.

Sau 2 năm triển khai, 24 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch hoạt động Chương trình SCP. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã xây dựng được 5 hướng dẫn kỹ thuật chuyên sâu cho các ngành triển khai sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng được Bộ tiêu chí áp dụng cho các làng nghề thủ công bền vững; xây dựng được bộ bài giảng đào tạo về sản xuất và tiêu dùng bền vững cho giảng viên, tuyên truyền viên; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho một số ngành; tính toán và xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu áp dụng cho ngành phân bón; xây dựng tài liệu kỹ thuật và nâng cao năng lực về thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng đối với sản phẩm bao bì.

Nhằm tiếp nối những thành công của chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức; đẩy mạnh mua sắm bền vững với các sản phẩm thân thiện với môi trường; xây dựng và thúc đẩy mô hình sản xuất bền vững trong một số ngành; tổ chức các triển lãm kết nối cung cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong các khâu sản xuất nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp; xây dựng các mô hình tái chế trong công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.
“Hội nghị “Kết nối cung - cầu đối với các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm trung gian trong sản xuất nhằm thúc đầy kinh tế tuần hoàn trong các ngành công nghiệp” là dịp để Bộ Công Thương và các địa phương, các cơ quan, đơn vị cùng nhau xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian sắp tới nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ giao phó”, ông Trịnh Quốc Vũ chia sẻ.

“Hội nghị cũng là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các hoạt động thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững, hướng tới kinh tế tuần hoàn để thực hiện thành công Chương trình quốc gia về sản xuất tiêu dùng bền vững trong giai đoạn tới”, ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.

Quá trình thực hiện Chương trình Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đồng hành từ các ban, ngành, các địa phương, các tổ chức và các doanh nghiệp. Đây là tiền đề quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đạm Quang Lê