Cánh cửa xuất khẩu nông sản năm 2025 của Việt Nam đang khá rộng mở
Hiện nay, nhiều đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) được triển khai hiệu quả kết hợp với các giải pháp mở cửa thị trường mới như Trung Ðông, châu Phi, Nam Á…; đàm phán, ký kết các đơn hàng tiếp theo trong năm 2025 đang là cơ sở vững chắc để xuất khẩu nông sản bứt phá mạnh mẽ.
Có bước phát triển nhảy vọt trong năm 2024 với kim ngạch đạt 7,12 tỷ USD, tăng 27,1% và cao hơn gần 1,5 tỷ USD so với năm 2023, ngành rau quả đặt mục tiêu kim ngạch năm 2025 đạt hơn 8 tỷ USD và tự tin hướng tới con số 10 tỷ USD trong tương lai gần.
Thị phần của rau quả Việt Nam tiếp tục tăng tại các thị trường lớn như: từ vị trí thứ 3 lên thứ 2 ở Trung Quốc; tại Hoa Kỳ tăng trưởng hơn 30%; Thái Lan tăng hơn 80%. Đến nay, rau quả Việt Nam đã có mặt trên hơn 60 thị trường. Ngoài sản phẩm tươi, rau quả Việt Nam còn có các mặt hàng chế biến sâu.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cạnh tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc; xung đột địa chính trị ở một số quốc gia là những thách thức lớn đối với xuất khẩu nông sản nói chung, rau quả nói riêng trong năm 2025.
Tuy nhiên, mục tiêu xuất khẩu rau quả 8 tỷ USD trong năm 2025 có thể đạt được nếu các doanh nghiệp tiếp tục gia tăng thị phần tại các thị trường lớn. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư công nghệ hiện đại sau thu hoạch, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh và sự tuân thủ của doanh nghiệp đối với những Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương Việt Nam đã ký kết.
“Tiếp tục đổi mới các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho ngành rau quả tăng trưởng mạnh hơn, đồng thời đẩy mạnh đàm phán thêm các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam để xuất khẩu chính ngạch tại các thị trường lớn truyền thống; mở rộng thêm thị trường mới cho rau quả. Tiếp tục hỗ trợ người sản xuất xây dựng các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và đẩy nhanh tiến độ cấp mã số để nâng cao năng lực xuất khẩu của ngành rau quả Việt Nam, cùng với đó ban hành các tiêu chuẩn quốc gia đối với các loại rau quả xuất khẩu, chủ lực”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.
Ngành thủy sản năm 2024 thu về kim ngạch 10,07 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2023, và đang tràn đầy kỳ vọng cho mục tiêu tăng trưởng từ 10-15% trong năm 2025, hướng tới kim ngạch hơn 11 tỷ USD.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết: Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 14-16 tỷ USD, đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học-công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới.
Ðể từng bước đạt mục tiêu này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn và tiềm năng. Năm 2025, dự báo tình hình xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản như tôm, cá tra... rất khả quan. VASEP đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh tín dụng xuất khẩu, gói tín dụng dành cho lâm sản, thủy sản như thời gian vừa qua để tiếp sức cho các doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh xuất khẩu ngày càng khốc liệt.
Bên cạnh rau quả và thủy sản, nhiều mặt hàng cây công nghiệp cũng đang đứng trước thời cơ tăng trưởng vượt bậc như cà phê, tiêu, điều... Năm 2024, cả ba ngành hàng này đều nằm trong "câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô" với nhiều dư địa phát triển.
Riêng cà phê đã vươn lên vị trí thứ ba trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sau rau quả và gạo với kim ngạch 5,48 tỷ USD. Nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu ngày càng tăng cùng chất lượng cà-phê Việt Nam được cải thiện và nâng cao với đa dạng sản phẩm chế biến sâu là cơ sở để ngành hàng này hướng tới mốc kim ngạch 6 tỷ USD trong năm 2025.
Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển chế biến, mở rộng các vùng nguyên liệu lớn và tăng cường liên kết
Theo Phó Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Nguyễn Anh Phong, trong quý I/2025, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản vẫn có thể tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới dự báo tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn...
Về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường lớn khi có dân số đông và nhu cầu tiêu dùng cao cho nên các mặt hàng thủy sản, đồ gỗ, cà phê, hồ tiêu, trái cây có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu.
Tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ rau quả và thủy sản cũng được dự đoán tăng mạnh, lần lượt là 6,64%/năm và 7,56%/năm trong giai đoạn 2024-2029. Mặt khác, với vị trí địa lý thuận lợi, các nông sản của Việt Nam vận chuyển sang Trung Quốc khá thuận lợi, vẫn giữ được chất lượng tự nhiên và độ tươi ngon với giá cả hợp lý sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn trong bối cảnh chi phí logistics ngày càng tăng.
Ngoài ra, một số mặt hàng khác như sắn, cao su cũng sẽ được Trung Quốc tăng nhập khẩu do nguồn cung trong nước hạn chế. Thêm vào đó, từ năm 2024, nông sản Việt Nam đã xuất hiện lần đầu trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội của Trung Quốc như TikTok, Kuaishou, Taobao, JD.com và Xiaohongshu, mở ra hướng giao thương mới và hiệu quả.
Riêng khu vực thị trường Trung Ðông, dư địa cho các mặt hàng thủy sản, trái cây và gạo đang đặc biệt tăng mạnh, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác. Theo VASEP, các quốc gia như Israel, Saudi Arabia, UAE, Qatar... là những thị trường xuất khẩu thủy sản tiềm năng với mức tăng trưởng mạnh và nhu cầu tiêu thụ cao.
Các sản phẩm như cá ngừ, cá tra có cơ hội lớn để mở rộng thị phần tại khu vực này. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu cần chú trọng đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn Halal trong toàn bộ quy trình từ sản xuất, chế biến đến vận chuyển xuất khẩu… Trong khi đó, đối với mặt hàng gạo, một số nước khu vực Trung Ðông đang có nhu cầu lớn đối với gạo Việt Nam và sẵn sàng đầu tư giống, vốn... để Việt Nam sản xuất gạo xuất khẩu vào các thị trường khu vực này.
Có thể thấy, cánh cửa xuất khẩu nông sản năm 2025 của Việt Nam đang khá rộng mở với lợi thế từ nguồn cung dồi dào trong nước cũng như từ nhu cầu tiêu thụ cao của thị trường nhập khẩu.
Tuy nhiên, để xuất khẩu hiệu quả, bền vững, Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa cho rằng, cần bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản gắn với phát triển hạ tầng logistics.
Mặt khác, các địa phương cần chú trọng tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng, năng lực sản xuất, kinh doanh của người sản xuất, thực hiện hiệu quả nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ... nhằm đáp ứng nhanh chóng, đầy đủ những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, môi trường, lao động, xã hội... của các đối tác nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhìn nhận thuận lợi lớn nhất trong đàm phán ký kết nghị định thư để mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu thời gian qua, đó là chúng ta có những sản phẩm tiềm năng, đặc sản thế mạnh để xuất khẩu. Bởi không có sản phẩm tốt thì chúng ta không thể có đàm phán được.
"Nhà nước cũng dành nguồn lực lớn cho công tác đàm phán mở cửa thị trường. Bên cạnh đó, trình độ sản xuất nông nghiệp đã được cải thiện nhiều, chúng ta tự tin đưa sản phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường, điều này cũng tạo thuận lợi lớn khi chúng ta đàm phán đẩy mạnh xuất khẩu" ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Hiếu cũng phân tích thêm: "Muốn cạnh tranh trong xuất khẩu chúng ta phải có sản phẩm độc đáo, riêng biệt. Sản phẩm độc đáo riêng biệt đó khiến cho điều kiện đáp ứng thị trường của ta khác với các sản phẩm của các nước khác, khó có mô hình nào để áp dụng mà chúng ta phải tự chủ động để làm, nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Ngoài ra khó khăn nữa của ta là sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có sản phẩm đồng đều, chưa có nguồn hàng lớn.
Năm 2025, Bộ NN&PTNT lựa chọn chủ đề 2025 là: “Thích ứng linh hoạt - Khơi thông nguồn lực - Tăng tốc bứt phá” như gợi mở của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ là thông điệp hành động, mà còn là quyết tâm mạnh mẽ của toàn ngành. Hy vọng với những động lực tích cực từ chính sách và nỗ lực từ doanh nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những cột mốc mới trong năm 2025./.