Chiều 12/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì họp Phiên thứ hai của Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến 4 cấp, từ đầu cầu trụ sở Chính phủ trực tuyến tới hơn 8.600 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các quận, huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tại phiên họp thứ nhất diễn ra cách đây 2 tháng, Ban Chỉ đạo đã thống nhất mục tiêu, quan điểm, định hướng, phương thức, cách làm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo và các bộ, cơ quan, địa phương.
Ngay sau phiên họp thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ban hành Thông báo Kết luận số 523 ngày 16/11/2024, đồng thời có Công điện số 117 ngày 18/11/2024, trong đó yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Theo đó, đã ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền và kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp để đẩy mạnh triển khai chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, gồm Thông báo Kết luận Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo (Thông báo Kết luận số 523 ngày 16/11/2024), Công điện số 117 ngày 18/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; Quyết định số 21 ngày 22/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỉ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; Quyết định số 1623 ngày 21/12/2024 của Thủ tướng về việc kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương hưởng ứng phong trào thi đua; làm đầu mối tiếp nhận hỗ trợ thông qua Quỹ "Vì người nghèo" để triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vị cả nước. Các Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), Nội vụ, Tài chính đã bàn hành các văn bản hướng dẫn về các nội dung, lĩnh vực được phân công theo dõi.
Toàn bộ 58 tỉnh, thành phố có nhà tạm, nhà dột nát đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo không thành lập Ban Chỉ đạo do địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát); có 50 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào trên địa bàn.
Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã tập trung huy động nguồn lực, tổ chức triển khai hiệu quả và đạt nhiều kết quả thiết thực, trong đó nhiều địa phương đã đặt mục tiêu về đích sớm hơn so với kế hoạch của Trung ương.
Kết quả thực hiện từ Phiên họp thứ nhất đến nay, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã hoàn thành 19/26 nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ.
Quỹ "Vì người nghèo" đã tiếp nhận trên 72,4 tỷ đồng; các địa phương đã vận động được hơn 2,3 nghìn tỷ đồng (trong đó Nghệ An: 843 tỷ đồng; Quảng Ngãi: 242 tỷ đồng; Thanh Hóa 220 tỷ đồng).
Theo báo cáo cập nhật của Bộ LĐ-TBXH, đã hoàn thành, bàn giao và đang xây dựng 84.888 căn hộ; cả nước còn khoảng 230.000 căn nhà tạm, nhà dột nát cần phải tập trung xây dựng, sửa chữa để hoàn thành từ nay đến cuối năm 2025.
Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 9.200 căn, trị giá 460 tỷ đồng cho 5 địa phương có số nhà tạm, nhà dột nát lớn (gồm: Quảng Trị, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lào Cai và Nghệ An); hỗ trợ xây dựng hơn 13.100 căn "Nhà Đồng đội", "Nhà Đại đoàn kết". Bộ Công an phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán 2025, hỗ trợ hoàn thành khoảng 1.000 căn nhà cho người nghèo tại 14 tỉnh đón Tết.
Một số địa phương đặt mục tiêu hoàn thành Chương trình sớm, như: Tỉnh Bắc Ninh hoàn thành trước ngày 3/2/2025; 7 địa phương hoàn thành trong quý II (Lào Cai, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Tây Ninh, Long An); 12 địa phương hoàn thành trong quý III (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau).
Thay mặt Ban chỉ đạo, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Bộ LĐ-TBXH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, góp phần vào những thành quả bước đầu hết sức tích cực, quan trọng của Chương trình.
Đồng thời, Thủ tướng trân trọng cảm ơn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân, các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã thực sự chung tay, hưởng ứng tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của Chương trình.
Tập trung triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm thực hiện thành công khoảng 240.000 căn nhà
Thủ tướng nêu rõ, nguyên nhân kết quả đạt được là nhờ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, càng trong khó khăn, thử thách càng phát huy mạnh mẽ; chủ trương đúng đắn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Ban Chỉ đạo, sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; sự chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo của các bộ, cơ quan, địa phương.
Đặc biệt, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã nghiêm túc, chủ động thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo tinh thần "Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu"; "Công an ta, vì nước quên thân, vì dân phục vụ".
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025; đồng thời là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, việc thực hiện thành công Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng nhằm hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng; thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta: mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân; không hy sinh tiến bộ, công bằng, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, “không để ai bị bỏ lại phía sau”; thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta: “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.
Đồng thời, thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương trong việc huy động các nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; Có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thiết thực, thi đua lập thành tích chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2025.
Thủ tướng cho biết, từ phiên họp thứ nhất đến nay, chúng ta đã hoàn thành, bàn giao hơn 44.000 căn nhà và đang xây dựng 34.200 căn. Từ nay đến cuối năm, còn khoảng 240.000 căn phải hoàn thành, trong khi thời gian triển khai rất gấp chỉ còn lại trên dưới 350 ngày. Vì vậy, phải tập trung triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm thực hiện thành công Chương trình trong năm 2025.
Thủ tướng đề nghị, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam có chương trình đếm ngược hàng tuần, để sáng chủ nhật hàng tuần thông báo với toàn dân về kết quả thực hiện chương trình, trên cơ sở ấy tuyên đương những tỉnh làm tốt, đôn đốc nhắc nhở những tỉnh làm chưa tốt.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là tập trung vào việc đánh giá thực trạng tình hình triển khai Chương trình tại các bộ, cơ quan, địa phương? Nơi nào làm tốt với kinh nghiệm quý, bài học hay là gì? Nơi nào làm chưa tốt do nguyên nhân nào? Làm rõ những khó khăn, vướng mắc như xác định đối tượng hỗ trợ, đất đai, nguồn lực, sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên NSNN năm 2024; thủ tục, quy trình thực hiện..?
Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, mạnh mẽ để bảo đảm hoàn thành Chương trình trong năm 2025 trên tinh thần 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”./.