Tổng quan về ngành nuôi trồng thủy sản của Indonesia
Indonesia là một trong những nước hàng đầu thế giới về nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, sản lượng của nước này đã giảm từ mức cao 16,1 triệu tấn năm 2017 xuống còn 14,6 triệu tấn vào năm 2021 do một số yếu tố như chi phí sản xuất tăng, giá sản phẩm giảm (FAO, 2021). Tuy nhiên hiện nay Indonesia vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản lượng nuôi trồng thủy sản, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Indonesia có 26 triệu héc ta ven biển, ngoài giá trị đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, hệ sinh thái là nền tảng của các ngành kinh tế như thủy sản và du lịch.
Quá trình chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản ở Indonesia
Quá trình số hóa ngành nuôi trồng thủy sản của Indonesia gắn với sự ra đời và phát triển của các công ty khởi nghiệp. Đầu tiên cần kể đến như eFishery ra đời vào năm 2013 giúp nông dân tiết kiệm chi phí, sức lao động nhưng tăng cả về sản lượng và chất lượng của giống vật nuôi. eFishery cung cấp một hệ thống cho ăn tự động, cùng mạng lưới IoT. Qua đó, một hệ thống cho ăn cảm biến dựa trên sự rung động trong nước, kết hợp với công nghệ học máy (machine learning), người chăn nuôi có thể xác định được khi nào là thời gian thích hợp để cung cấp thức ăn cho giống vật nuôi. Thức ăn cho tôm, cá thường chiếm 60 đến 90% tổng chi phí sản xuất trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, công nghệ mới như của eFishery giúp vật nuôi tiêu thụ thức ăn đúng mức, không lãng phí thức ăn và không tác động xấu đến môi trường. Máng ăn thông minh của eFishery rút ngắn chu kỳ thu hoạch, tăng sản lượng và cải thiện chất lượng nguồn nước. Hiện có 3 nghìn ao nuôi tôm tại Indonesia sử dụng công nghệ của eFishery, với sản lượng gia tăng hằng năm là 20%.
Một công ty khởi nghiệp khác là Jala-chuyên cung cấp các thiết bị IoT theo dõi trực tiếp chất lượng nước trong các ao nuôi, giúp chủ trại quản lý, xử lý để giảm thiểu rủi ro trong nuôi giống và thu hoạch. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp như Aruna đóng vai trò là nền tảng thương mại điện tử giúp nông dân nắm rõ hơn về thị trường, bán sản phẩm của họ trực tiếp cho cơ sở thu mua mà không qua thương lái. Đặc biệt, việc sử dụng ICT trong nuôi trồng thủy sản giúp các nhà đầu tư đánh giá được quy trình sản xuất để mạnh dạn hơn trong đầu tư. Như vậy, quá trình chuyển đổi số của ngành nuôi trồng thủy sản của Indonesia gắn với sự phát triển của các công ty.
Vai trò của Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số
Chính phủ Indonesia nhận thức được tầm quan trọng của nghề cá và nuôi trồng thủy sản với sự phát triển kinh tế xã hội. Với trên 17.508 hòn đảo và đường bờ biển dài khoảng 81 nghìn km, Indonesia có một tiềm năng lớn cho nuôi trồng thủy sản. Indonesia nằm trong số các nước nuôi trồng thủy sản hàng đầu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, so với tiềm năng của quốc đảo này, nghề cá và nuôi trồng thủy sản chưa phát huy hết nội lực vốn có. Chính phủ Indonesia đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện phúc lợi của những người ngư dân thông qua việc hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, chương trình bảo hiểm, các khóa đào tạo đa dạng, hỗ trợ vay vốn, thành lập làng nuôi trồng thủy sản và đặc biệt khuyến khích số hóa, ứng dụng ICT vào ngành này. Trong đó chú trọng vào thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ số và phát triển các công ty khởi nghiệp trên nền tảng số.
Về nhận thức
Chính phủ Indonesia đã ban hành các chiến lược chuyển đổi số và lồng ghép vào các lĩnh vực nông nghiệp trong đó có ngành nuôi trồng thủy sản. Chính phủ ban hành quy định số 4 (2015) về Quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp giai đoạn 2015-2035, trong đó nhấn mạnh ứng dụng công nghiệp trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm là một trong những trụ cột của chiến lược này. Để đưa ra những quy định và hướng dẫn phát triển ngành thương mại điện tử, Chính phủ Indonesia đã đưa ra Chính sách quốc gia thông qua nghị định số 74 năm 2017 của Tổng thống về lộ trình quốc gia điện tử, trong đó nhấn mạnh sẽ phát triển hậu cần thương mại điện tử từ thành thị tới nông thôn, hai đối tượng thụ hưởng được chú trọng là nông dân và ngư dân. Tiếp theo nữa, vào năm 2017, một sáng kiến quốc gia về xây dựng Indonesia 4.0 (định hướng tới năm 2030) liên quan tới 5 lĩnh vực công nghiệp và 10 ngành ưu tiên, trong đó phấn đấu sản xuất và kinh doanh thực phẩm là một trong những ngành đi đầu về ứng dụng công nghệ 4.0.
Chiến lược quốc gia về AI giai đoạn 2020-2045, ứng dụng AI vào đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nghề thủy sản. Chính sách quốc gia được ban hành bởi Bộ Nông nghiệp, trong quy định số 4 năm 2019 về hướng dẫn phát triển nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp có chỉ ra rằng ưu tiên những người trẻ, từ 19-39 tuổi là nguồn lực chính cho việc áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó Bộ Nông nghiệp của Indonesia cũng ban hành nhiều chương trình hành động để thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển ngành nông nghiệp, trong đó bao gồm cả nuôi trồng thủy sản như quy định số 16 (2013) và nghị định số 259 (2020). Chính phủ Indonesia cũng đưa ra một số khung pháp lý, chẳng hạn như luật Thông tin và Giao dịch Điện tử (UU ITE). Những quy định pháp lý này đã và đang hỗ trợ ngành Thương mại điện tử của Indonesia điều chỉnh các giao dịch trực tuyến, bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng.
Đầu tư vốn và kêu gọi đầu tư vốn trong và ngoài nước cho ngành nuôi trồng thủy sản
Trong năm 2023 Chính phủ Indonesia đã đầu tư vốn trong nước là 5,32 nghìn tỷ IDR (339 triệu đô la Mỹ), kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài (PMA) là 1,4 nghìn tỷ IDR (89 triệu đô la Mỹ) và tín dụng đầu tư là 2,84 nghìn tỷ IDR (181 triệu đô la Mỹ), trong đó nuôi trồng thủy sản được đầu tư 2,6 nghìn tỷ IDR (165 triệu đô la Mỹ). Bên cạnh đó, Indonesia còn kết hợp với một số các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft, Apple, Google, Alibaba và Tencent.. trong việc tích hợp các ứng dụng ICT và kỹ thuật số trong các phần mềm, thiết bị điện, điện tử.
Các ngân hàng của Indonesia trực tiếp thúc đẩy chuyển đổi số ngành thủy sản bằng việc hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để ngư dân đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị nuôi tôm dưới dạng cảm biến kỹ thuật số IoT, thiết bị này có thể kết nối với điện thoại của nông dân trên nền tảng Android.
Khuyến khích các phong trào khởi nghiệp trong nuôi trồng thủy sản
Chính phủ khuyến khích phong trào khởi nghiệp thông qua quy định số 95 năm 2018 về Hệ thống chính phủ điện tử (SPBE), một sáng kiến quốc gia về chương trình 1000 doanh nghiệp khởi nghiệp về kỹ thuật số, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp và thủy sản đang có những sáng kiến về việc áp dụng công nghệ số đã nhận được sự hỗ trợ từ phía chính phủ để đưa các mô hình vào thực tế. Các chương trình ươm tạo do chính phủ Indonesia hỗ trợ “Startup Studio Indonesia” đang hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến năm 2022, có khoảng hơn 30 startup tại Indonesia đã tham gia mạng lưới Digifish Network để mang tới các mô hình kinh doanh sáng tạo nhằm giải quyết những thách thức trong mọi phân khúc của ngành nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh các startup công nghệ, thì hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới kỹ thuật số của các doanh nghiệp đang lớn mạnh.
Một số startup đã khai thác địa hạt fintech để kết nối các doanh nghiệp đang cần vốn với những nhà đầu tư quan tâm trong lĩnh vực này. Đây là nguồn tài chính khá hấp dẫn đối với các hộ nuôi trồng thủy sản nhờ dễ tiếp cận, xét duyệt nhanh và trần vay tương đối lớn-có thể lên tới 1 tỷ IDR (70 nghìn USD) cho một chu kỳ sản xuất kinh doanh, dù lãi suất thường cao hơn 2-4 lần so với ngân hàng (thậm chí lên tới 2%/tháng). Mặc dù mô hình kinh doanh fintech không quá phức tạp song lĩnh vực này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là với những ai dựa vào hệ thống giao dịch cho vay ngang hàng (P2P) sau khi huy động vốn từ công chúng. Điều này đòi hỏi sự minh bạch và một kênh liên lạc tốt giữa công ty fintech với các nhà đầu tư. Ngoài ra, kỹ thuật yếu kém cũng lại là một thách thức nữa trong việc cấp vốn cho người nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, để khuyến khích tiêu thụ thương mại điện tử, một số doanh nghiệp như Fishlogtro cung cấp giải pháp kho lạnh thông qua một nền tảng trực tuyến-giúp người nuôi thủy sản trực tiếp đưa cá đến với đơn vị chế biến và thu được mức giá tốt hơn. Trong khi đó, Aruna lại tạo điều kiện cho ngư dân tiếp thị rộng rãi sản phẩm của họ, bao gồm cả xuất khẩu, thông qua một nền tảng thương mại điện tử hoàn chỉnh.
Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin
Bốn lĩnh vực quan trọng được Chính phủ Indonesia xác định trong chuyển đổi số là cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, chính phủ kỹ thuật số, nền kinh tế kỹ thuật số và công dân kỹ thuật số có thể khuyến khích tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số.
Về phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng, Indonesi tiến hành xây dựng Vành đai Palapa kéo dài 12,229 km nối 57 quận trên khắp quốc gia. Năm 2022 tiến hành khởi động Indonesia Raya Satellite (SATRIA 1) với công suất 150 Gbps; dung lượng 300-Gbps. SATRIA 2 và SATRIA 3 với dung lượng 500 Gbps tiến hành vào năm 2023 nhằm truy cập internet nhanh (Wi-Fi) trong các dịch vụ công cộng. Indonesia đang xây dựng Khu công nghiệp kỹ thuật số Nongsa (NDP) trên đảo Batam thành đặc khu kinh tế (KEK) nhằm nắm bắt các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật số và hỗ trợ phát triển kinh tế kỹ thuật số quốc gia, đồng thời kết nối với thị trường quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư khoảng 3,7 tỷ USD và dự kiến thu hút 16.500 la. Tiếp đến, Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia sẽ lắp đặt 7.904 Trạm thu phát cơ sở (BTS) tại các ngôi làng trong khu vực 3T (ngoài cùng, vùng sâu vùng xa và kém phát triển) thông qua Cơ quan tiếp cận thông tin và viễn thông (BAKTI).
Trong lĩnh vực chính phủ số, thời gian tới sẽ thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử với Phong trào hướng tới 100 Thành phố thông minh với sáu trụ cột phát triển làm nền tảng để thực hiện chương trình phát triển, bao gồm quản trị thông minh, cơ sở hạ tầng thông minh, nền kinh tế thông minh, cuộc sống thông minh, con người thông minh và môi trường thông minh. Indonesia cũng đang phủ sóng mạng 5G tới tất cả các tỉnh thành trong cả nước và phấn đấu tỷ lệ người dân sử dụng mạng di động lên tới 80% tới năm 2030.
Chính phủ Indonesia cũng chú trọng việc phát triển hạ tầng ICTvà truyền thông ở nông thôn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở khu vực này. Bộ Thông tin và truyền thông đã cho xây dựng vành đại Palapa dài 12.229 km kết nối 90 huyện và thành phố xa xôi bằng cáp quang và sóng vô tuyến. Trao quyền cho các địa phương ở nông thôn khai thác hạ tầng viễn thông, cung cấp quyền truy cấp Internet miễn phí cho hơn 12 nghìn điểm công cộng ở nông thôn bằng nhiều công nghệ khác nhau như cáp quang, liên kết vô tuyến, VSAT và Wi-Fi. Phatsn triển dự án Satria về vệ tinh đa chức năng cung cấp quyền truy cập Internet bằng băng thông rộng cho hơn 150 nghìn điểm không được phủ sóng Internet ở mặt đất ở các địa điểm nông thôn.
Phát triển nguồn nhân lực
Một ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy chuyển đổi số tại Indonesia là phát triển nguồn nhân lực. Indonesia cần ít nhất 600 nghìn nhân lực kỹ thuật số chất lượng cao mỗi năm. Để đáp ứng nhu cầu này, chính phủ đang nỗ lực chuẩn bị một lực lượng lao động trẻ, đáng tin cậy bằng cách đưa ICT và truyền thông trở thành một phần của chương trình giảng dạy và mở rộng các chương trình đào tạo kỹ thuật số. Chính phủ Indonesia tổ chức các chương trình học bổng kỹ thuật số và tài năng kỹ thuật số. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp chương trình đào tạo kỹ năng kỹ thuật số cho 15 triệu người từ nay đến năm 2024. Chính phủ cũng sẽ đào tạo cho 300 nghìn người trong khuôn khổ chương trình học bổng tài năng kỹ thuật số nhằm đáp ứng nhu cầu 9 triệu tài năng kỹ thuật số của Indonesia.
Kết luận
Indonesia là một ví dụ điển hình về sự kết hợp giữa công nghệ, chính sách và sáng kiến khởi nghiệp trong chuyển đổi số ngành nuôi trồng thủy sản. Các giải pháp công nghệ không chỉ cải thiện năng suất và lợi nhuận mà còn thúc đẩy tính bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành./.