Chuỗi cung ứng xanh giúp ngành logistics bắt nhịp với xu thế phát triển bền vững

Hiện nay, các doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam đã bước đầu thực hiện chuyển đổi xanh trong hoạt động của mình. Bên cạnh chuyển đổi phương thức vận chuyển nhằm tiết giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp cũng đang dần thay thế phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, hệ thống kho năng lượng mặt trời... để hạn chế tối đa lượng phát thải.
lo-gis-tic-xanh-3-1736645112.jpg
Hiện nay, các doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam đã bước đầu thực hiện chuyển đổi xanh trong hoạt động của mình.(Ảnh minh họa)

Xanh là tiêu chí quan trọng đối với doanh nghiệp logistics Việt Nam

Các chuyên gia nhận định, thời gian qua, ngành logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 16-19%/năm, chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, hoạt động xuất, nhập khẩu, chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng trong sản xuất, thương mại dịch vụ... Tuy nhiên, đây cũng là ngành có mức độ ô nhiễm cao, do đó, việc giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường sống, phát triển “logistics xanh” là xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững, đồng thời là mục tiêu sống còn và là tiêu chí quan trọng đối với doanh nghiệp logistics Việt Nam.

Khái niệm logistics xanh lần đầu tiên được đề cập tại Việt Nam vào năm 2000, trong bối cảnh sự phát triển của các hoạt động xanh trở thành xu hướng phát triển tại các quốc gia châu Á. Trong khi trên thế giới, hoạt động xanh hóa trong lĩnh vực logistics được thực hiện theo chuỗi cung ứng, thì các doanh nghiệp tại Việt Nam mới chỉ tiến hành ở một vài mắt xích, như: dịch vụ kho bãi, ứng dụng công nghệ thông minh và thân thiện với môi trường.

Tăng trưởng kinh tế ngày càng mạnh mẽ kéo theo nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa gia tăng cùng với chuỗi hoạt động logistics và chuỗi cung ứng trên toàn cầu mở rộng, nhưng hạ tầng logistics của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, chuỗi cung ứng thiếu năng lực cạnh tranh, thiếu nguồn lực đầu tư phát triển theo định hướng xanh và bền vững. Trong bối cảnh này, việc nghiên cứu về thực trạng logistics tại Việt Nam để tìm ra được các giải pháp và chiến lược đầu tư phù hợp, nâng cao vị thế và phát triển logistics theo định hướng xanh là hết sức cần thiết.

Hiện nay, các doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam đã bước đầu thực hiện chuyển đổi xanh trong hoạt động của mình. Bên cạnh chuyển đổi phương thức vận chuyển nhằm tiết giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp cũng đang dần thay thế phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, hệ thống kho năng lượng mặt trời... để hạn chế tối đa lượng phát thải.

lo-gis-tic-xanh-1-1736645175.jpg
Nhiều doanh nghiệp vận tải đã xanh hóa các khâu vận hành kho lạnh.(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương nhìn nhận, số doanh nghiệp logistics thực hiện chuyển đổi xanh này còn quá ít trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp logistics trên cả nước. Nguyên nhân do việc triển khai rộng rãi logistics xanh còn gặp nhiều thách thức, như: các rào cản kỹ thuật và công nghệ, vấn đề về chi phí đầu tư, hạn chế trong nhận thức của chính doanh nghiệp, hạ tầng logistics chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, nhận thức và hiểu biết của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa về yêu cầu xanh hóa ngành logistics đang rất hạn chế. Kế đến là sự hạn chế về công nghệ, trong khi đó, việc áp dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa chuỗi cung ứng lại đòi hỏi kỹ năng cao và công nghệ tiên tiến, điều mà không phải mọi doanh nghiệp đều có khả năng đầu tư.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nêu ý kiến, để chuyển đổi xanh các doanh nghiệp logictics cần tạo dựng văn hoá về phát triển bền vững: “Khuyến nghị thứ nhất là hãy tập trung vào chữ tuân thủ trước tiên, tuân thủ có 2 khía cạnh là tuân thủ về mặt pháp lý và tuân thủ những cam kết trong hợp đồng với các đối tác với bạn hàng.

Thứ hai, đó là những chương trình sáng kiến cải tiến trong từng doanh nghiệp còn tạo ra một văn hóa sự quan tâm chung của cả chủ doanh nghiệp, lẫn nhân viên về phát triển bền vững về chuyển đổi xanh”.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics trong chuyển đổi phương tiện

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, khó khăn với các doanh nghiệp logistics khi chuyển đổi sang xanh hoá, đầu tiên đó là áp lực từ phía thị trường. Xanh hóa chắc chắn ở giai đoạn đầu sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp đầu tư tốn kém về mặt chi phí. Trong khi đa phần doanh nghiệp logistics là nhỏ và vừa, đây là một áp lực đối với doanh nghiệp khi phải đưa ra các quyết định liên quan đến đầu tư để trở nên xanh hơn.

Ông Nguyễn Công Hùng kỳ vọng: “Tôi rất mong muốn Chính phủ, Quốc hội tiếp tục kéo giãn miễn thuế trước bạ đối với xe điện, để cho các doanh nghiệp thay đổi 100% phương tiện- thì lúc đó Chính phủ đưa vào các quy định để thu thuế. Kiến nghị nữa là ban hành các gói thực hiện khoanh nợ thuế, khoanh nợ bảo hiểm xã hội không tính lãi, không phạt lãi chậm nộp cho doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi theo hướng xanh hoá”.

Một số doanh nghiệp cho rằng, để logistics chuyển đổi theo hướng xanh hoá, đáp ứng những yêu cầu xanh của khách hàng và thực hiện theo những định hướng của Nhà nước về xanh hóa logistics, theo ông Thuật cần giải quyết bài toán về đầu tư và câu chuyện chính sách vĩ mô của Nhà nước, như chính sách về ưu đãi thuế, tài chính.

Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp thực sự có nhu cầu đầu tư vào logistics xanh. Có chính sách kêu gọi đầu tư ngay từ đầu, như: đầu tư khu công nghiệp xanh ngay, sử dụng điện áp mái, đầu tư vào xe tải điện…

Đặc biệt, logistics xanh cần phải được đào tạo ngay trong nội bộ doanh nghiệp. Tức là bản thân doanh nghiệp phải nhận thức được câu chuyện xanh này để có những định hướng chiến lược kinh doanh phù hợp.

lo-gis-tic-xanh-2-1736645200.jpg
Theo Bộ Công Thương, số doanh nghiệp logistics thực hiện chuyển đổi xanh còn quá ít trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp logistics trên cả nước. (Ảnh minh họa)

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện nay các chính sách ưu đãi của Chính phủ đang tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp logistics trong chuyển đổi phương tiện. Tức là chúng ta đang khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang các phương tiện có lượng phát thải thấp và sử dụng chủ yếu là phương tiện vận tải bằng điện.

Cụ thể, Chính phủ đã có chính sách rất nổi bật như: miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm đầu tiên cho xe tải điện vận hành bằng pin và giảm 50% lệ phí trước bạ trong hai năm tiếp theo.

Ngoài ra đối với vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm tiết kiệm điện năng, Bộ Công Thương cũng có những dự án hỗ trợ doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi tiết kiệm điện năng.

Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035 và tầm nhìn đến 2045. Trong dự thảo chiến lược, vấn đề phát triển logistics xanh cũng là một trong những quan điểm hàng đầu./.

Trọng Bình