Dự báo lạm phát năm 2025 thấp hơn nhiều so với mục tiêu được đưa ra

Với chính sách tiền tệ và tỷ giá ổn định, hợp lý, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4% trong suốt một thập kỷ gần đây. Trong năm 2025 nhiều khả năng lạm phát trung bình sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức 3,0% (+/- 0,5%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4-4,5% được Quốc hội thông qua.
z6210763688026-41eac72c45c359a9d522923f5c5383c9-1736586438.jpg
Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố mới đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2024 tăng 2,87% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Lạm phát cơ bản tháng 12/2024 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,63%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Như vậy, đến năm 2024 là 10 năm liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Đây là mức lạm phát phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở trong nước, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, là điểm sáng trong kết quả phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2024.

Trao đổi về vấn đề này tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025 mới đây, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng một yếu tố quan trọng giúp kiểm soát lạm phát là mức giá toàn cầu tăng thấp và lạm phát thế giới hạ, điều này đã giảm bớt áp lực giá nhập khẩu vào Việt Nam. Mặc dù nền kinh tế tăng trưởng mạnh, nhưng cầu nội địa vẫn ở mức thấp nhất kể từ năm 2022, do người dân cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh thắt chặt tài chính cá nhân, điều này cũng giúp làm giảm áp lực tăng giá do nhu cầu tiêu dùng thấp.

Về giá cả hàng hóa, đặc biệt là lương thực-thực phẩm, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất nông sản lớn, và nguồn cung luôn ổn định. Điều này giúp giá cả các mặt hàng này không tăng cao, trừ những thời điểm ngắn hạn khi có thiên tai như cơn bão Yagi vào tháng 9-2024. Mặt khác, chính sách điều hành của Nhà nước đối với giá năng lượng (xăng, dầu, điện, than) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho giá cả các mặt hàng thiết yếu không tăng mạnh.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng sự ổn định này không chỉ là kết quả của việc điều hành thành công từ Chính phủ mà còn đến từ yếu tố bên ngoài như sự giảm giá trên thị trường thế giới và tình hình tiêu dùng trong nước.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhận định, lạm phát thấp vì trong bối cảnh khó khăn, để duy trì cạnh tranh, doanh nghiệp giảm lợi nhuận bằng cách không tăng giá hàng hóa. Cùng với đó, chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nên đã giúp giảm bớt áp lực lạm phát. Ngoài ra, việc kiểm soát lạm phát phụ thuộc nhiều vào Chính phủ điều hành thận trọng giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý; chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt.

Dự báo về lạm phát trong năm 2025, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế - Tài chính nhận định: Bên cạnh các yếu tố về tiền tệ, tỷ giá, lạm phát trong năm 2025 còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tăng trưởng kinh tế thế giới và giá dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới trong năm 2025 vẫn tăng trưởng ổn định với mức 3,2%, tương đương năm 2024, còn giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản đầu vào, tính trung bình, có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, tỷ giá và lãi suất sẽ là các yếu tố còn nhiều bất định và tác động đến giá cả ở Việt Nam.

“Với chính sách tiền tệ và tỷ giá ổn định, hợp lý, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4% trong suốt một thập kỷ gần đây. Trong năm 2025 nhiều khả năng lạm phát trung bình sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức 3% (+/- 0,5%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4-4,5% được Quốc hội thông qua”, TS. Nguyễn Đức Độ nói.

lamphat-1736586438.jpg
Dự báo lạm phát năm 2025 thấp hơn nhiều so với mục tiêu được đưa ra. Ảnh minh họa

Để kiểm soát CPI năm 2025, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cần kiểm soát giá các mặt hàng như xăng dầu, điện, thực phẩm, thuốc men để tránh tăng giá đột biến. Dự trữ quốc gia để can thiệp khi cần thiết, kiểm soát giá các mặt hàng chiến lược giúp giảm áp lực lên CPI, nhưng cần cân đối để không làm giảm động lực đầu tư của doanh nghiệp.

Song song với đó, đẩy mạnh sản xuất và chuỗi cung ứng nội địa, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, đầu tư phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến để đảm bảo nguồn cung ổn định, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ giảm nguy cơ lạm phát do tỷ giá và giá cả quốc tế tăng. Tuy nhiên, cần thời gian và nguồn lực để nâng cao năng lực sản xuất.

Ông Ngô Trí Long nhấn mạnh: Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong năm 2025. Các biện pháp nêu trên có khả năng kiểm soát CPI một cách hiệu quả nếu được thực hiện đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, một số biện pháp như kiểm soát giá cả hoặc tăng lãi suất có thể tạo áp lực lên doanh nghiệp và giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thị Oanh, có thể khẳng định, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4,5% vào năm 2025 là một mục tiêu khả thi, nhưng việc đạt được nó sẽ phụ thuộc vào sự thực hiện đồng bộ và linh hoạt của các giải pháp điều hành giá cả và chính sách kinh tế.

Đồng thời, để đạt mục tiêu này, cần có sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách giá cả, với mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô mà không gây cản trở đến hoạt động sản xuất và kinh doanh. Cùng đó, cần linh hoạt điều chỉnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong những thời điểm khó khăn, đồng thời duy trì sự ổn định của các mặt hàng thiết yếu như năng lượng, thực phẩm và thuốc men, tránh gây ra những đợt tăng giá đột biến có thể ảnh hưởng đến lạm phát.

Một yếu tố quan trọng khác là tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Điều này đòi hỏi phải duy trì môi trường kinh tế ổn định, đồng thời thúc đẩy các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ. Bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và nâng cao năng lực sản xuất trong nước, Việt Nam có thể giảm được áp lực lạm phát do sự biến động của tỷ giá và giá cả quốc tế./.

Đông Nghi