Được biết, từ năm 2021-2025, sẽ có khoảng 2,8 triệu USD được hỗ trợ để người dân vùng cao chuyển sang nền kinh tế tăng trưởng xanh, thông qua phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là mây tre lá, dược liệu theo hướng bền vững, có chứng chỉ rừng, thúc đẩy trồng và sản xuất rừng gỗ lớn.
Nhờ những già làng nhiều kinh nghiệm truyền đạt nên lớp trẻ người Cơtu rất hào hứng tham gia nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm. Các hợp tác xã đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tạo ra điểm du lịch cộng đồng, giúp thu nhập người dân tăng lên đáng kể.
Theo ghi nhận, nhiều mô hình hợp tác quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học đã được triển khai hiệu quả, góp phần giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về lợi ích từ rừng, cải thiện sinh kế bền vững để người dân yên tâm gắn bó với rừng.
Chia sẻ về những lợi ích của rừng, người dân cho biết, rừng bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, điều tiết, duy trì nguồn nước sinh hoạt; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học; cung cấp củi, gỗ; hấp thụ và lưu giữ các-bon; hạn chế biến đổi khí hậu, rừng còn góp phần hạn chế lũ lụt, là nơi ở và sinh sản thú rừng, cung cấp khí oxy cho sự sống... Giữ rừng là giữ sự sống.
Theo ý kiến người dân, tỉnh cần phối hợp chính quyền các địa phương xây dựng được những mô hình tạo sinh kế hiệu quả, giúp dân nâng cao đời sống và lấy đó nhân ra diện rộng. Khi đời sống người dân được nâng lên, kết hợp với việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thì chắc chắn rừng ở địa phương sẽ được quản lý, bảo vệ tốt.
Các chuyên gia ngành lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, rừng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Trong rừng có nhiều loại cây khác nhau. Ðây là nguồn thực phẩm, nguồn nguyên liệu quý cho công nghiệp và dược phẩm, là nguồn gen hoang dại có giá trị trong lai tạo giống mới cho nông nghiệp và chăn nuôi.
Rừng còn có giá trị lớn về du lịch. Vì rừng có nhiều phong cảnh đẹp, với nhiều loại động thực vật hoang dã, lôi cuốn sự ham hiểu biết, trí tò mò của mọi người. Khí hậu trong rừng mát mẻ, điều hòa, không khí sạch sẽ còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
Vai trò của rừng là rất quan trọng trong đời sống, sản xuất, môi trường và xã hội. Tuy nhiên, nạn khai thác rừng bừa bãi hiện nay vẫn đang diễn ra từng ngày. Nhiều người vì các lợi trước mặt mà bỏ qua lợi ích lâu dài mà rừng đã và đang đem lại.
Lại nói, rừng là nguồn thu nhập chủ yếu của đồng bào dân tộc miền núi. Tài nguyên rừng là cơ sở quan trọng để phân bổ dân cư. Điều tiết lao động trong xã hội giúp xóa đói giảm nghèo cho xã hội... chúng ta cần phải bảo vệ rừng.
Đi giữa tiết trời se lạnh, nhìn những vạt rừng nối tiếp nhau trải dài tít tắp mới thấy được sự gian chuân, vất vả của những người sống bằng nghề rừng, nhưng đổi lại, “rừng vàng” đã mang đến cho người dân những mùa xuân ấm no. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở rừng đều được đi học, những mái nhà khang trang mọc lên giữa bạt ngàn rừng keo, quế, mỡ, tất cả đều nhờ rừng. Tin rằng, kinh tế đồi rừng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và sẽ mãi là những mùa xuân no ấm trên khắp mọi miền quê.