Thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ rừng

Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh siết chặt quản lý, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn những hành vi phá hoại rừng.

Tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên là 978.120 ha; tổng diện tích có rừng 539.043 ha; diện tích đất có rừng che phủ 533.732 ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh năm 2021 là 54,6%. Trong năm 2022, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đang ngày càng được nâng cao. Theo đó, so với cùng kỳ năm 2021, số vụ vi phạm lâm nghiệp đã giảm 244 vụ (giảm 46%); diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng giảm 9,25 ha (giảm 26%); lâm sản thiệt hại giảm 638,8 m3 (giảm 32%); số vụ vi phạm có tính chất phức tạp, nổi cộm giảm 1 vụ (giảm 4,2%).

Tuy nhiên, thời gian qua đặc biệt là trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023 trên địa bàn tỉnh vẫn để xảy ra 4 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (tăng 100% so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022). Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, trên địa bàn xảy ra 4 vụ phá rừng, tăng 4 vụ so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Nhằm chấn chỉnh công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Lâm Đồng đề nghị các cơ quan ban nghành trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả các nhiệm vụ: Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Thành ủy, Huyện ủy, Đảng ủy trực thuộc, sở, ban, ngành, lực lượng chức năng liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 10/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh...

rung-1675908910.jpg
Các ngành chức năng tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: BLĐ)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị chức năng phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định pháp luật, tinh thần các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng, thực hiện thường xuyên tuần tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo quy định các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Thành ủy, Huyện ủy, Đảng ủy trực thuộc, sở, ban, ngành, lực lượng chức năng liên quan tiếp tục chỉ đạo cơ quan, lực lượng chức năng tiến hành khởi tố, điều tra, kết luận, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, đưa ra xét xử lưu động công khai các tổ chức, đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật; đồng thời, xem xét trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ sở, chủ rừng, ban quản lý rừng để xảy ra vi phạm, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Tập trung thực hiện quyết liệt việc thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, tổ chức trồng lại rừng ngay khi giải tỏa và quản lý chặt chẽ diện tích rừng đã trồng; kiên quyết tháo dỡ nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp. Tiếp tục thực hiện việc trồng rừng, trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 2209/KH-UBND, ngày 22/4/2021 của UBND tỉnh về trồng 50 triệu cây xanh.

Các đồng chí Bí thư Thành ủy, Huyện ủy; Chủ tịch UBND huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan nêu cao vai trò, trách nhiệm về lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đơn vị, địa phương nào tiếp tục để xảy ra việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng mà không kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm một cách nghiêm minh và không giải tỏa, trồng rừng lại ngay thì người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.