Trên đây là một trong những nội dung được thảo luận tại Diễn đàn Phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero” tổ chức vào ngày 19/9 tại TP.HCM với sự tham gia của trên 200 đại biểu từ các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp.
Tại đây, các diễn giả cùng khách mời đã trao đổi về những chính sách, kết quả mới nhất trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam và bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, nút thắt trong tiến trình nước ta chuyển đổi để phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp và chính sách liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường. Những hành động này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Bên cạnh biến đổi khí hậu thì suy giảm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, thiệt hại về kinh tế, gia tăng bất bình đẳng và xung đột xã hội... là những hậu quả ngày càng thấy rõ hơn từ việc phát triển thiếu bền vững.
Việt Nam là quốc gia có mức độ phát thải CO2 trong tăng trưởng GDP cao ở khu vực châu Á. Để đạt cam kết đạt mức 0% vào năm 2050, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng tăng cường chuyển đổi xanh để giảm lượng carbon khoảng 78%.
Cụ thể, Chính phủ đã đưa ra chiến lược tăng trưởng xanh và nhiều chính sách để thực thi chiến lược này. Trong đó, có quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, phê duyệt danh mục các cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính; đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu… Cộng đồng doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia vào tiến trình chuyển đổi xanh. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang thực hành ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị), hướng tới thực hiện tăng trưởng xanh.
Ông Darryl James Dong, Đại diện Cấp cao Phụ trách Văn phòng TP.HCM- Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các chính sách đối với phát triển kinh tế xanh, nhất là tại Việt Nam. Ông cũng đưa ra khuyến nghị trong hoạch định chính sách, Việt Nam thực hiện kinh tế xanh từng bước, từ đơn giản đến phức tạp, đưa ra những quy định khung, cơ bản, dễ thực hiện rồi sau đó bổ sung, nhưng phải làm ngay, không chần chừ nữa. Theo đó, doanh nghiệp cũng vậy, phải xanh hóa ngay từ bây giờ, từng bước và tìm nguồn tài chính xanh cho sự chuyển đổi của mình.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh phải là một hệ sinh thái mà ở đó chính sách của Chính phủ giữ vai trò dẫn dắt. Để tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh thì Chính phủ và doanh nghiệp cần có những hành động mới. Trong đó, Chính phủ và các cơ quan nhà nước, chuyên gia cần hoàn thiện khung chính sách về khử carbon; xây dựng quy định về thị trường carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh...
"Chúng ta chưa có nhiều giải pháp để kích thích cầu tiêu dùng để hỗ trợ tạo thói quen tiêu dùng xanh. Nhận thức tiêu dùng thì có nhưng thói quen tiêu dùng xanh thì chưa có. Thực tế tại doanh nghiệp, vấn đề công nghệ và tín dụng thì có thể vượt qua được nhưng vấn đề thị trường thì doanh nghiệp chưa thể tạo ra tiêu dùng xanh để có thể phát triển bền vững" - TS. Việt cho biết.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia ở những lĩnh vực khác cũng chia sẻ những thông tin về nguồn vốn phục vụ các dự án xanh, phát triển bền vững; những cơ hội để doanh nghiệp có thể huy động vốn cho mục tiêu tăng trưởng phát thải thấp; những kinh nghiệm về tiến trình xanh hóa, giảm phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, các chuyên gia và doanh nghiệp (có nhu cầu mua và bán tín chỉ carbon) còn trao đổi những thông tin về nhu cầu mua-bán, giá cả, hình thức thanh toán, cách hợp tác và góp ý cho việc xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam./.