‘Chuyển đổi số’ và ‘Chuyển đổi xanh’ không còn là khẩu hiệu mà là hướng đi tất yếu của doanh nghiệp

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang tìm kiếm những phương thức mới để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững. Hiện nay, việc đổi mới cách tiếp cận nhằm sản xuất thông minh, bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero đối với doanh nghiệp đang cấp thiết hơn bao giờ hết.
1-1720015632.jpg
TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam (VAA) phát biểu khai mạc Hội thảo với chủ đề: “Đổi mới cách tiếp cận: Sản xuất thông minh và bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero”.

Ngày 2/7/2024, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo với chủ đề: “Đổi mới cách tiếp cận: Sản xuất thông minh và bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero”. Hội thảo được tổ chức bởi Hội Tự động hoá Việt Nam (VAA) phối hợp cùng infoma makets và nằm trong khuôn khổ Triển lãm lần thứ 20 về Cơ khí chính xác và Sản xuất chế tạo (MTA Vietnam 2024).

‘Chuyển đổi số’ phải song hành với “Chuyển đổi xanh’

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam (VAA) nhấn mạnh: “Đây là hội thảo chuyên đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất, cơ khí, tự động hoá, chế biến, chế tạo. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia, sau đó là thuật ngữ ‘chuyển đổi kép’ bao gồm ‘chuyển đổi số’ phải gắn liền với ‘chuyển đổi xanh’. Trong đó, ‘chuyển đổi số’ là nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế nhưng phải song hành với ‘chuyển đổi xanh’, tức là đảm bảo yếu tố bền vững, môi trường. Do đó, chúng ta cần phải đổi mới cách tiếp cận, làm sao các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn này vừa phát triển nhanh, hiệu quả, nhưng phải bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero”.

Theo báo cáo của Tổ chức Quản lý Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành công nghiệp và sản xuất đóng góp khoảng 24% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu. Còn tại Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà công nghiệp hóa mạnh mẽ, do đó, ngành sản xuất là một trong những ngành phát thải lớn, đặc biệt là các ngành như sản xuất xi măng, thép và luyện kim. Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn và cải thiện hiệu quả năng lượng trong sản xuất để giảm bớt tác động đến môi trường. Trong đó, chương trình chuyển đổi số Quốc gia sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc hướng ngành sản xuất tới mục tiêu Net Zero, qua việc tối ưu hóa quy trình, giảm lãng phí và hỗ trợ năng lượng tái tạo.

2-1720015674.jpg
GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin tại Hội thảo.

GS.TS Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thông qua chuyển đổi số sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, bởi khi áp dụng rộng rãi các giải pháp công nghệ số có thể giảm 20% tổng lượng khí thải và tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong quá trình này, công nghệ số không chỉ giúp cắt giảm CO2 mà còn tăng hiệu suất sản xuất, tiết kiệm chi phí vận hành và mang lại lợi ích kinh tế đáng kể”.

“Có 3 cách để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bao gồm: Thứ nhất là phải giảm lượng khí phát thải trong quá trình sản xuất điện, giao thông, nông nghiệp, chuyển từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo; chuyển xe xăng, dầu sang xe điện hoặc hydrogen; Thứ hai là bù lại bằng các biện pháp thu giữ khí CO2 như trồng cây, rừng, áp dụng công nghệ thu giữ hoặc công nghệ sản xuất thông minh không phát thải khí nhà kính; Thứ ba là mua tín chỉ carbon. Do đó, sản xuất thông minh với sự hỗ trợ của chuyển đổi số sẽ giúp cho việc không lãng phí tài nguyên và năng lượng, sản xuất linh hoạt, tối ưu hóa năng suất, tránh dư thừa, có hiệu quả rất cao trong giảm phát thải khí nhà kính”, GS.TS Nguyễn Văn Phước cho biết thêm.

‘Chuyển đổi số’ chính là chìa khoá cho doanh nghiệp trong sản xuất thông minh, bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero

Báo cáo “Chuyển đổi số và tương lai Net Zero trong sản xuất” của FPT Digital nhấn mạnh sự cần thiết và hiệu quả của chuyển đổi số trong việc thúc đẩy ngành sản xuất tiến tới các mục tiêu bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Công nghệ số giúp tự động hóa và tối ưu hóa các quy trình sản xuất, giảm lãng phí nguyên liệu và năng lượng, đồng thời giảm chi phí và phát thải khí nhà kính. Các hệ thống sản xuất thông minh có khả năng theo dõi và điều chỉnh tiêu thụ năng lượng trong thời gian thực, đảm bảo rằng các nguồn năng lượng được sử dụng một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Công cụ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp dự đoán nhu cầu và điều chỉnh sản xuất cho phù hợp mà còn thúc đẩy đổi mới sản phẩm, qua đó phát triển các giải pháp thân thiện với môi trường. Nội dung báo cáo cho thấy chuyển đổi số không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, ngành sản xuất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu.

3-1720015747.jpg
Ông Hoàng Văn Cường - BDM Avantech Việt Nam chia sẻ thông tin tại Hội thảo.

Ông Hoàng Văn Cường - BDM Avantech Việt Nam chia sẻ: “ESG là bộ tiêu chuẩn sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng. Do đó, để thúc đẩy giảm phát thải cần phải nâng cao khả năng, quản lý, sử dụng năng lượng và phát thải bằng cách tích hợp các công nghệ thông minh qua ứng dụng chuyển đổi số, các doanh nghiệp có thể phân tích xu hướng tiêu thụ năng lượng, dự báo nhu cầu và phát hiện năng lượng hao hụt, giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định chính xác hơn trong việc sử dụng năng lượng bền vững”.

4-1720015791.jpg
Ông Bùi Thanh Kế - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Techpro iLEAP chia sẻ thông tin tại Hội thảo.

“Cùng với đó là tối ưu hóa quy trình sản xuất thông minh thông ứng dụng các công nghệ hiện đại để vận hành tự động hóa ở mọi khâu của quá trình sản xuất, từ khâu kiểm tra nguyên vật liệu, chế biến, sản xuất, lắp rắp cho tới khâu kiểm soát chất lượng, đóng gói, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy. Đồng thời, chuyển đổi số sẽ giúp quản lý, sử dụng nguyên vật liệu hiệu quả, kiểm soát sản phẩm lỗi, hao mòn, trong nhà máy sử dụng công nghệ số để dự đoán chính xác nhu cầu nguyên liệu và lượng rác thải, từ đó điều chỉnh quy trình sản xuất tối ưu để giảm thiểu lãng phí và tăng tỷ lệ tái sử dụng nguyên liệu thô”, ông Hoàng Văn Cường chia sẻ thêm.

5-1720015827.jpg
Ông Nguyễn Xuân Nam - Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia Việt Nam chia sẻ thông tin tại Hội thảo.

Trong bối cảnh doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, các ứng dụng của ‘Chuyển đổi số’ đang trở thành chìa khóa quan trọng hỗ trợ giảm thiểu rủi ro và bảo vệ doanh nghiệp trước những áp lực ngày càng gia tăng.

Qua góc nhìn của lãnh đạo một doanh nghiệp công nghệ, ông Bùi Thanh Kế - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Techpro iLEAP đã lấy dẫn chứng về chuyển đổi số thành công và mang lại hiệu quả cao tại nhà máy Nhíp ô tô thuộc Thaco Industries, một trong những đơn vị tiên phong thực hiện đổi mới công nghệ, ứng dụng tự động hóa vào sản xuất, tiến tới xây dựng mô hình nhà máy thông minh. Đồng thời, tại Công ty TSK Việt Nam có 100% vốn đầu tư FDI của Nhật Bản do hai nhà đầu tư là EPE và TSK hợp tác, đây là một trong những công ty sản xuất bao bì nhựa định hình chân không đầu tiên của Nhật Bản đầu tư tại miền Bắc Việt Nam.

6-1720015872.jpg
PGS.TS Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội tự động hoá TP. Hồ Chí Minh chia sẻ ý kiến tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Xuân Nam - Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Yêu cầu lớn từ mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của thế giới và Việt Nam là tiền đề, động lực cho việc áp dụng khoa học công nghệ sản xuất xanh, sản xuất thông minh, khi các hoạt động sản xuất và giảm phát thải thông thường chỉ đạt được mức hiệu quả nhất định. Sức ép từ việc loại bỏ công nghệ cũ, các nghiên cứu khoa học để nâng cao hơn năng lực, hiệu quả của công nghệ sản xuất cũ chính là chuyển đổi số. Từ đó, nghiên cứu, tìm hiểu các công nghệ sản xuất mới, các nguồn tài nguyên khác hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất”.

7-1720015916.jpg
TS Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học & Công nghệ chia sẻ thông tin tại Hội thảo.

Dưới góc nhìn của người làm công tác quản lý khoa học, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chánh Văn phòng Bộ Khoa học & Công nghệ chia sẻ: “Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có tác động đáng kể đến môi trường. Bên cạnh đó, áp lực gia tăng từ thị trường và xu hướng tiêu dùng xanh đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức tiếp cận, đầu tư công nghệ nhằm giảm lượng phát thải và hướng tới quy trình sản xuất, chế biến thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp cần liên tục nắm bắt và cập nhật xu hướng, chính sách giảm CO2 để đưa ra các thay đổi phù hợp cho doanh nghiệp của mình trong quá trình sản xuất”.

8-1720015959.jpg
Các diễn giả chia sẻ thông tin tại Hội thảo với chủ đề: “Đổi mới cách tiếp cận: Sản xuất thông minh và bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero”.

Hiện nay, tại Việt Nam ‘Chuyển đổi số’ và ‘Chuyển đổi xanh’ không còn là khẩu hiệu mà là hướng đi tất yếu của doanh nghiệp. Cùng với các các nền tảng công nghệ, dữ liệu sẵn sàng cho ‘Chuyển đổi số’ thì việc đào tạo nguồn nhân lực cũng đóng vai trò then chốt trong việc tạo động lực cho quá trình phát triển bền vững. Từ đó, doanh nghiệp có thể đạt được sự cân bằng giữa việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng thay đổi và bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai./.

Đạm Quang Lê