Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,94%/năm, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng 8,17%/năm, cán cân thương mại liên tục xuất siêu, nông sản Việt Nam có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1,5 năm, với những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Thu nhập bình ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm khoảng 1,5%/năm. Môi trường cảnh quan ngày càng cải thiện, xuất hiện ngày càng nhiều các làng, xã xanh, sạch, đẹp, hiện đại, văn minh.
Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể, chủ động và tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học và công nghệ, tham gia chuỗi giá trị nông sản, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn.
Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh, dân chủ ở cơ sở được tăng cường… Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển đổi tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn tăng khá.
Bộ mặt nông thôn chuyển biến rõ rệt, khang trang, xanh, sạch, đẹp; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, viễn thông, văn hóa, y tế, giáo dục... Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tuy mới được triển khai chưa lâu, nhưng đã đạt được kết quả tích cực ở nhiều địa phương.
Tuy vậy, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Giá trị tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững. Việc xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá; công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Thu nhập ở nông thôn còn thấp, chênh lệnh vùng miền, giữa nông thôn và đô thị còn cao. Môi trường nông thôn còn ô nhiễm, vai trò cộng đồng chưa phát huy tốt, nếp sống văn hoá nông thôn, nơi gìn giữ những truyền thống văn hoá cao đẹp của dân tộc ở một số nơi có nguy cơ ngày càng mai một...
Từ thực trạng đó đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách mới để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII, tận dụng cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Theo Nghị quyết Đại hội XIII: Mục tiêu tổng quát đến 2030, tầm nhìn 2045 là tăng cường năng lực làm chủ, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn, phát triển nền nông nghiệp sinh thái bền vững hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật tiên tiến, chuyển đổi số. Xây dựng nông thôn mới hiện đại, môi trường sống tốt đẹp, tiệm cận với các đô thị, xã hội nông thôn giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Mục tiêu cụ thể đến 2030 duy trì tăng trưởng GDP nông nghiệp khoảng 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt bình quân từ 5,5-6%/năm, tăng trưởng công nghiệp dịch vụ nông thôn trên 10%/năm, số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90% theo tiêu chí hiện hành, thu nhập bình quân người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội còn khoảng 15%...
Để hiện thực các mục tiêu đó, cần hoàn thiện đồng bộ thể chế mới để thúc đẩy phát triển theo định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Bổ sung hoàn thiện các chủ trương chính sách luật pháp để tháo gỡ các vướng mắc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao hiệu quả, đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam bước sang trang phát triển mới”.
Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết 26, ngành nông nghiệp tiếp tục xác định rõ thêm thế mạnh về cây trồng vật nuôi, từ đó tái cơ cấu để đảm bảo giá trị gia tăng, tăng trưởng khá trong nhiều năm.
Muốn xây dựng một nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cao, phải đào tạo người nông dân công nghệ số để tiếp cận thị trường khoa học công nghệ, tiếp cận pháp luật. Vấn đề mấu chốt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người nông dân. Thực tiễn cũng cho thấy: Quá trình thực hiện Nghị quyết 26 vẫn chưa thực hiện thực sự có hiệu quả liên kết 4 nhà, chưa phát huy được vai trò nòng cốt của hợp tác xã, nông dân tham gia cổ phần hóa bằng đất như Nghị quyết đã đề ra và chưa trở thành xu hướng hợp tác lớn như kỳ vọng của nông dân và doanh nghiệp.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ quan trọng mà còn là thế mạnh dư địa phát triển của Việt Nam. Tiềm năng nông nghiệp còn rất lớn, vị trí địa lý, cảnh quan nông thôn Việt Nam đến chỗ nào cũng đẹp, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc sẽ là dư địa phát triển trong một nền kinh tế du lịch tới đây. Có xác định đúng vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì mới dồn lực cho chỉ đạo và đầu tư. Phải đặt mục tiêu đến năm 2030 thu nhập người dân khu vực nông thôn phải tăng ít nhất từ 3 lần trở lên so với năm 2020.
Trong bối cảnh tình hình trong đất nước và thế giới có nhiều thay đổi lớn, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ trương hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đại hội XIII đề ra, đòi hỏi phải tăng cường thêm nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Do đó, kiến nghị Chính phủ cần tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và cũng là thời điểm để có thể ban hành một Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm:
Một là, tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có vai trò, ý nghĩa chiến lược đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Giải quyết tốt những vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt mục tiêu mà Đại hội XIII đặt ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hai là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Ban, Bộ, ngành về vị trí, vai trò ý nghĩa chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ba là, mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết phải rõ ràng, mạch lạc, khả thi. Trong đó phải xác định các giải pháp đột phá phù hợp từng giai đoạn, có lộ trình để thực hiện, tránh trường hợp quá chung chung thời nào nói cũng được.
Bốn là, Nghị quyết mới phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên cơ sở cái gì mà đã làm hay thì tiếp tục phát huy, giải pháp mới để giải quyết các vấn đề mới, khắc phục tối đa các hạn chế yếu kém.