Các doanh nghiệp vận tải gặp khó khi giá xăng, dầu tăng

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa quyết định tăng mạnh giá bán lẻ xăng, dầu. Cụ thể, xăng E5 RON 92 ở mức 23.110 đồng/lít, xăng RON 95 lên mức 24.330 đồng/lít - ngưỡng cao nhất trong 7 năm qua. Đây được xem là "cú đòn" giáng mạnh vào các doanh nghiệp vận tải sau thời gian dài phải hoạt động cầm chừng vì dịch COVID-19.

Đề cập vấn đề này, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải khá bất ngờ với mức giá tăng mạnh. Bởi, các doanh nghiệp cho biết trong bối cảnh nền kinh tế vừa trở lại hoạt động theo trạng thái bình thường mới và cũng mới khởi động trở lại thì việc tăng giá xăng, dầu trong thời điểm này sẽ khiến ngành vận tải gặp nhiều khó khăn để phục hồi.

Ông Trần Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận chuyển Á Châu cho biết, ngay sau khi xăng, dầu tăng giá, công ty phải tính toán lại giá cước vận chuyển cho những chuyến xe sắp tới. Thống kê từ tháng 1/2021 đến nay, xăng, dầu tăng liên tiếp từ mốc 17.000 đồng lên đến 24.000 đồng/lít, giá dầu từ 12.600 đồng lên 18.700 đồng/lít. Đây là mức tăng "sốc" mà doanh nghiệp phải đối diện khiến các đơn vị vận tải lao đao trước nhiều áp lực.

Là doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng đường dài tuyến Bắc - Nam, mỗi chuyến xe container chở hàng từ Tp. Hồ Chí Minh - Hà Nội với doanh thu khoảng 40 triệu đồng; trong đó, chi phí dầu tới 14 triệu đồng (chiếm tới 35%), ông Thành cho hay, doanh nghiệp vận tải sẽ tính toán điều chỉnh giá cước theo hướng tăng khoảng 10 - 20% để cân đối doanh thu. 

Dù vậy, ông Thành cũng thừa nhận doanh nghiệp đang ở thế khó với các hợp đồng đã ký bởi việc thay đổi giá cước vận chuyển không dễ gì khách hàng chấp nhận, chưa kể sẽ mất nhiều đơn hàng lẻ.

Còn theo ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, giá xăng, dầu tăng cao khiến doanh nghiệp đã khó lại càng khó thêm. Đặc biệt các doanh nghiệp vận tải liên tỉnh vẫn chưa được hoạt động hết công suất và phải giãn cách ghế. Với giá xăng, dầu như hiện nay thì càng chạy doanh nghiệp càng lỗ. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn xã hội khó khăn thì doanh nghiệp cũng phải tìm cách cầm cự. Trước mắt doanh nghiệp vẫn chưa tính tăng giá cước, nhưng về lâu dài thì giá cước sẽ phải được điều chỉnh để đảm bảo cân đối thu chi.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, việc giá bán lẻ xăng, dầu tăng do yếu tố của giá dầu thế giới tăng. Tuy nhiên, giá xăng, dầu trong nước được cấu thành bởi nhiều yêu tố; trong đó, có yếu tố phải "cõng" phí bảo vệ môi trường gần 4.000 đồng/lít xăng. 

gia-xang-dau-duoc-du-bao-tiep-tuc-tang-57-0-1635340135.jpeg
Giá xăng tăng mạnh ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp vận tải

Vì vậy, ông Hùng cho rằng, trong nước đang khuyến khích sử dụng xăng sinh học (E5) bảo vệ môi trường. Đây là loại xăng sạch nên khuyến khích sử dụng. Nếu nhà nước miễn giảm phí môi trường cho loại xăng này thì sẽ giúp giảm giá xăng dầu trong bối cảnh hiện nay.

Ông Trần Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Minh Hằng cho biết, trong 15 - 17 khoản mục chi phí của hoạt động vận tải thì xăng, dầu chiếm tỷ lệ từ 30 - 35%. Để hòa vốn thì phải đạt từ 60% hệ số ghế trở lên. Ví dụ xe 40 ghế phải chở được 24 khách, nhưng thực tế chỉ có từ 10 - 15 khách, thậm chí số khách ít hơn nữa xe vẫn phải chạy và vẫn phải đốt nhiên liệu.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng thông tin, giá xăng, dầu tăng dù ảnh hưởng so với sụt giảm hành khách là không bằng, nhưng do tính chất cấu thành chi phí hoạt động cao nên việc xăng tăng giá cũng ảnh hưởng sâu sắc đến doanh nghiệp. Cộng hưởng các vấn đề thì khó khăn lại chồng khó khăn. Do vậy, doanh nghiệp có thể bị “kéo chìm” bất cứ lúc nào.

Đại diện một hãng bay cũng cho biết, hàng không mới trở lại hoạt động nhưng gặp vô vàn khó khăn; trong đó, có giá xăng dầu tăng cao. Nhu cầu khách đi lại vẫn còn thấp, cạnh tranh giữa các hãng để có khách nên việc tăng giá vé do tác động giá xăng, dầu trong giai đoạn này khó xảy ra. Tuy nhiên, áp lực giá sẽ đè nặng và sẽ phải tăng giá vé trong dài hạn.

Một doanh nghiệp đang thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam chia sẻ, từ đầu năm nay nhà thầu tại dự án đã phải chịu khó khăn khi giá sắt, thép và vật liệu xây dựng tăng cao, nay nhận thêm "cú sốc" về giá xăng, dầu tăng sẽ làm cho các doanh nghiệp xây dựng, giao thông thêm nhiều khó khăn.

Đại diện doanh nghiệp này chia sẻ, với hàng trăm đầu máy và xe trên công trường, hàng ngày doanh nghiệp sẽ phải trả thêm chi phí khi gía nhiên liệu tăng.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ lại cho rằng, có dư địa để nhà nước điều chỉnh, cân đối giá xăng. Cụ thể, giá xăng, dầu của Việt Nam hiện nay đang có cơ cấu giá thuế khá cao. Các loại thuế trong xăng dầu chiếm khoảng 50 - 55% nên có thể cân đối, điều chỉnh.

Còn theo PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), khi dịch COVID-19 được kiểm soát ở nhiều nước khiến nhu cầu về nhiên liệu gia tăng trong quá trình phục hồi kinh tế nên dự báo thời gian tới giá dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với một số khó khăn.

Trong bối cảnh giá xăng, dầu trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhiều chuyên gia cho rằng nhà nước cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều tiết, làm sao mức tăng giá xăng, dầu trong nước không đột biến như giá thế giới, từ đó làm giảm bớt phí đầu vào của doanh nghiệp./.