38 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số
Như vậy, tổng số nền tảng danh mục nền tảng số quốc gia phục vụ Chuyển đổi Số, phát triển Chính phủ Số, Kinh tế Số, Xã hội Số gồm 38 nền tảng.
Trong số đó, 21 nền tảng do cơ quan nhà nước chủ quản, doanh nghiệp Việt Nam phát triển, làm chủ công nghệ lõi, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công phục vụ xã hội. 17 nền tảng do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội.
Nền tảng thuế điện tử cung cấp công cụ quản lý thuế thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp.
Nền tảng bảo hiểm Xã hội Số thiết lập kênh giao tiếp và tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng nhất, từng bước thực hiện việc thay thế sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế giấy.
Nền tảng Cảng biển Số chuyển đổi toàn bộ hoạt động của một cảng biển lên môi trường số, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng biển. Trên nền tảng này, quy trình, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp cảng, hãng tàu, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xuất nhập khẩu… được tự động hóa.
Nền tảng đảm bảo tính công khai, minh bạch, cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu tốt hơn, từ đó góp phần phát triển Kinh tế Số cảng biển.
Là nền tảng cung cấp công cụ quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động tại khu vực cửa khẩu, nền tảng cửa khẩu số tự động hóa quy trình, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bến bãi tại cửa khẩu….
Nền tảng cũng đảm bảo tính công khai, minh bạch, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, góp phần phát triển kinh tế số cửa khẩu.
Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột ưu tiên
Trước đó, tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, bền vững, toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Chính phủ trong nhiệm kỳ này.
Thủ tướng đánh giá năm 2023, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Năm Dữ liệu số quốc gia 2023 đã tạo những nền tảng cơ bản trong tạo lập và chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước, tạo nền móng cho phát triển cả 3 trụ cột (chính phủ số, kinh tế số, xã hội số).
Thủ tướng nhấn mạnh 6 kết quả chính trong chuyển đổi số:
Thứ nhất, đánh giá quốc tế về chuyển đổi số của Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay (theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO). Chỉ số Bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, tăng 1 cấp độ so với năm 2021, đứng thứ 38 (theo Liên minh Bưu chính Thế giới).
Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19% (theo Google, Temasek). Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.
Thứ hai, Năm Dữ liệu số quốc gia đạt nhiều thành tích quan trọng. Các CSDL quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (quản lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử...).
Đặc biệt, CSDL quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho công dân đủ điều kiện; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử. Đẩy mạnh sử dụng ứng dụng VneID, tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế. Đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 15 bộ, ngành, 63 địa phương và 3 doanh nghiệp viễn thông; triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm hằng năm trên 2.500 tỷ đồng.
Thứ ba, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ cho chuyển đổi số quốc gia được triển khai tích cực, hiệu quả. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước; Chính phủ, Thủ tướng ban hành 4 nghị quyết, 1 nghị định, 7 quyết định, 6 chỉ thị. Đã có 50/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thứ tư, triển khai dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thứ năm, phát triển hạ tầng số đạt nhiều kết quả tích cực Gần 80% người dân Việt Nam sử dụng internet. Hiện đã phủ sóng di động tại 2.233/2.853 (chiếm 78%) điểm lõm sóng (620 điểm còn lại sẽ phải hoàn thành trong 2024). Thử nghiệm mạng di động 5G tại hơn 50 tỉnh, thành phố. Các trung tâm dữ liệu tiếp tục được đẩy mạnh xây dựng ở cả khu vực công và tư; Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, 13 doanh nghiệp xây dựng 45 trung tâm dữ liệu.
Thứ sáu, an ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng được coi trọng. Có 65% hệ thống thông tin được xác nhận bảo vệ an toàn thông tin theo cấp độ. Gần 4.800 trang web của cơ quan Nhà nước được đánh giá và dán nhãn tín nhiệm mạng.
Thủ tướng khẳng định, kết quả đạt được nêu trên cho thấy, triển khai chuyển đổi số là một nhiệm vụ hoàn toàn đúng đắn, đã mang lại những kết quả rất cụ thể, thiết thực trong công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương và hoạt động kinh tế, xã hội của người dân, doanh nghiệp; qua đó góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban quốc gia; sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng nhìn nhận, còn nhiều tồn tại, hạn chế, như việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chậm so với yêu cầu phát triển; còn 18 mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia cần nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn; nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa; vẫn chưa ban hành được phương pháp đo lường tỷ trọng kinh tế số trong GDP, tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành lĩnh vực.
Chất lượng dịch vụ công trực tuyến còn chưa cao. Phát triển hạ tầng số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL, bảo vệ dữ liệu cá nhân còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhân lực số vừa thừa vừa thiếu, do đào tạo số lượng lớn, nhưng chưa bảo đảm chất lượng. Công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nhiều nơi chưa được coi trọng, mang tính hình thức, chiếu lệ.
Từ chủ đề năm 2024, Thủ tướng nêu rõ các quan điểm chỉ đạo, theo đó, phải luôn có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động phải quyết liệt với phương pháp khoa học, thực tiễn, hiệu quả; bám sát thực tiễn; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được; tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số; ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong phát triển kinh tế số ngang tầm quốc tế, khu vực, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả./.