Bộ Công Thương sẽ kiến nghị phương án bỏ hay giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Tại Tờ trình và Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ tháng 6/2024, Bộ Công Thương sẽ chốt phương án "bỏ hay giữ" Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Thông tin từ Bộ Công thương, trong tháng 6, bộ sẽ có tờ trình gửi Chính phủ về nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công thương sẽ có kiến nghị việc tiếp tục giữ hay không giữ quỹ, căn cứ theo quy định của luật Giá mới 2023 có hiệu lực từ 1/7.

quy-binh-on-xang-dau-02-1717767989.jpg
Bộ Công thương sẽ có kiến nghị việc tiếp tục giữ hay không giữ quỹ bình ổn xăng dầu, căn cứ theo quy định của luật Giá mới 2023 có hiệu lực từ 1/7.(Ảnh minh họa)

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong thời gian qua, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày theo Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, cùng với các loại chi phí kinh doanh xăng dầu được cập nhật kịp thời, đã tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng đầy đủ nhu cầu cho thị trường nội địa.

Trong 5 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 23/5/2024), giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 21 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng Ron 95 có 12 lần tăng và 9 lần giảm, mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa có 10 lần tăng và 11 lần giảm.

quy-binh-on-xang-dau-01-1717768050.jpg
Kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày theo Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. (Ảnh minh họa)

Với việc thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay mức biến động giá giữa hai lần điều chỉnh cơ bản không lớn, giá xăng dầu trong nước đã cơ bản bám sát diễn biến giá thế giới, các doanh nghiệp đã chủ động tính toán được mức giá, lên kế hoạch nhập hàng theo phân giao tổng nguồn tối thiểu năm 2024 của Bộ Công Thương và kế hoạch đăng ký theo từng quý, nguồn cung xăng dầu cơ bản được đảm bảo.

Do đó tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế - xã hội không lớn, rất ít khi phải dùng đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo quy định. Đối với Quỹ bình ổn, Bộ sẽ theo dõi, đánh giá và kiến nghị việc tiếp tục giữ Quỹ bình ổn hay không giữ Quỹ bình ổn theo quy định của Luật Giá mới (2023) tại Tờ trình và Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ trong tháng 6/2024./.

Theo Bộ Tài chính, cập nhật đến cuối năm 2023, Quỹ bình ổn giá xăng dầu có số dư hơn 6.655 tỉ đồng. Nhưng trong 5 tháng đầu năm nay, quỹ này được chi rất nhỏ giọt. Trong nhiều kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua, liên bộ Công thương - Tài chính quyết định không chi, cũng không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

PV