Bình Dương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách sát thực, tránh hình thức

Đây là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe ý kiến đại diện Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và lãnh đạo các sở, ban ngành, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh.

binh-duong-tiep-xuc-1659662638.jpg
Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương trao đổi tại hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế Bình Dương từng bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GRDP quý I ước tăng 5,3%, quý II tăng 8,35% so với cùng kỳ. Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực, đóng góp chính vào tăng trưởng chung; Khu vực dịch vụ có nhiều bước khởi sắc khi hầu hết các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí sôi động trở lại.

Mặc dù, gặp nhiều khó khăn nhưng các ngành sản xuất như: Dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử… đã chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại hội nghị, các Hiệp hội, doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc và những đề xuất, kiến nghị để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Giá xăng dầu cao ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu; doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng; chính sách ổn định giá thuê đất; Xây dựng nhà ở xã hội và nhà trẻ cho con công nhân tại các khu và cụm công nghiệp…

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh doanh nghiệp gỗ đang chịu không ít ảnh hưởng của thị trường thế giới. Các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng, lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh và chưa có tín hiệu khả quan cho giai đoạn cuối năm 2022. Do đó, theo ông Liêm, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng, ân hạn, giãn nợ, không giảm "room" tín dụng (giới hạn cho vay của ngân hàng) và cho doanh nghiệp vay hàng tồn kho; có giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, vận chuyển…

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Bình Dương Nguyễn Quang Sang cho biết, thời gian qua trong bối cảnh giá xăng dầu tăng dẫn đến chi phí ngành logistics tăng cao. Theo ông, hệ thống giao thông kết nối của tỉnh tương đối tốt, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nhất là các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn. Vì vậy, ông mong muốn tỉnh tiếp tục có giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và quy hoạch đồng bộ hệ thống giao thông, kho bãi phục vụ hoạt động vận tải góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp…

bd-1659662638.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh và đại diện hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đầu tư trong nước.

Nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển, phát biểu kết luận chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời, Bí thư yêu cầu UBND tỉnh, các sở ngành nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, thật sự vào cuộc chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, "xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính mình". UBND tỉnh kiện toàn Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách sát thực, tránh hình thức. Bên cạnh đó, cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, bức xúc của các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp nhằm tạo động lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ổn định trong thời gian tới.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành ghi nhận và cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành, chia sẻ cùng chính quyền thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính sự nỗ lực của các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng đã góp phần cùng tỉnh vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển nhanh chóng.

Quốc Cường – Đình Văn