Đào gốc tre thu 400 nghìn đồng mỗi ngày
Từ xa xưa người dân Quảng Nam trồng tre quanh vườn để làm nhà, đan lát, bảo vệ đất ven sông. Gần đây, người dân đốn hạ tre để lấy đất xây nhà, làm đường, tường rào và công trình công cộng. Ngoài thân tre, gốc tre được nhiều nơi thu mua làm bàn ghế, đồ thủ công mỹ nghệ.
Giữa tháng 1, ông Trần Văn Công (góc phải), 40 tuổi, ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh cùng đồng nghiệp đến xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ xin gốc tre. Họ mang rìu, rựa để tách gốc tre.
Ông Ung Nho Bài, 43 tuổi, ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, chia sẻ mỗi bụi tre có nhiều đất cát, các gốc mọc sát nhau nên dùng cưa máy thì lưỡi nhanh cùn và khó cắt. Để lấy được gốc tre đều phải dùng dụng cụ thô sơ.
Gốc tre bán được phải còn chắc, không mục nên thợ phải dùng rựa chặt kiểm tra. "Đào gốc tre cần có kinh nghiệm, thợ phải nhìn vào thế của bụi tre và lấy từ ngoài vào trong", ông Bài chia sẻ.
Sau khi tách ra khỏi bụi, thợ dùng rựa chặt bỏ mắt, rễ, chỉ lấy phần gốc. Đôi tay thợ đào gốc tre bị chai sạn do cầm rìu, rựa suốt cả ngày.
"Nghề này đỏi hỏi sức khỏe, làm việc cực nhọc. Trước đây tôi và anh Bài làm thợ xây, song từ đầu năm đến nay công trình không có. Thấy nhiều nơi mua gốc tre nên chúng tôi đi đào để bán", ông Công nói.
Gốc tre sau khi khai thác được chở vào TP HCM bán để làm bát đĩa, đồ thủ công mỹ nghệ. Những gốc có hình dáng tương đồng, thẳng thì bán cho người đóng bàn ghế. Ông Bài cho biết bình quân mỗi ngày đào gốc tre cho thu nhập 400.000 đồng.
Nỗ lực truyền nghề tạo sức hút khách du lịch
Ông Trần Văn Hùng (57 tuổi) ở thôn Trà Đông (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là một nghệ nhân chế tác cây tre, gốc tre có thâm niên hàng chục năm.
Ông Hùng chia sẻ: "Ở đây ngày xưa là làng Trà Nhiêu, bát ngát những rặng dừa và tre, vì thế mà gia đình tôi cũng đã có 3 đời gắn bó với nghề làm tranh tre, lá dừa. Sau khi xuất ngũ, tôi về lại quê nhà và tiếp nối nghề truyền thống của cha ông. Khi đó, tôi chủ yếu làm đồ tre dân dụng như bàn, ghế, tủ, giường hoặc làm nhà tre, nhà tranh lá dừa".
Với tay nghề ngày càng thành thạo, tiếng lành vang xa khắp vùng, ông Hùng bận rộn với công việc chế tác tre. Ông được nhiều khách sạn, nhà hàng, khu du lịch trong và ngoài tỉnh thuê làm các công trình bằng tre với quy mô lớn.
Nhiều thanh niên trong làng tìm đến ông để xin học nghề làm tre, đến nay, đội thợ của ông có khoảng 30 người, chủ yếu là những người trong làng ở độ tuổi trung niên.
Ông Hùng cho biết, trong một lần đi mua tre, nhìn thấy một gốc tre bị vứt đi thì bỗng dưng ông nảy sinh ý định "hô biến" nó thành một tác phẩm nghệ thuật. Thế là ông nhặt về và kỳ công chế tác, tạo hình hài cho gốc tre xù xì. Cũng vì những hành động đó mà người trong làng cho rằng ông khác người, làm những điều không được bình thường.
Khi hoạt động du lịch phát triển, ông Hùng chuyên tâm nghiên cứu, chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ lưu niệm từ tre để quảng bá hình ảnh cây tre Việt Nam, lan toả thông điệp bảo vệ môi trường xanh.
Ông Hùng bộc bạch: "Làm đồ thủ công thì trước hết phải có năng khiếu, nhưng quan trọng nhất là người thợ phải có khối óc sáng tạo, mắt nhìn nghệ thuật và tâm hồn nghệ sĩ. Có thế, người thợ mới nhìn nhận được giá trị của một khúc tre vô tri vô giác, biết cách thổi hồn tạo nên một tác phẩm nghệ thuật sống động".
Ông Hùng cho biết, gần 20 năm nay, gia đình ông liên kết với các công ty lữ hành để tiếp đón các đoàn khách nước ngoài đến dừng chân nghỉ ngơi, thưởng lãm, ăn uống và trải nghiệm du lịch làng quê./.