Trách nhiệm tái chế là cơ hội để các doanh nghiệp đạt “chứng chỉ xanh” phát triển bền vững hơn

Theo các chuyên gia, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải (EPR) là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Giải pháp này còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế.
quy-dinh-tai-che-3-1732591264.jpg
EPR là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. (Ảnh minh họa)

Việt Nam đang từng bước thực hiện tốt mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm phát thải bao bì và chất thải nguy hại ra môi trường thông qua “giải pháp xanh” là tái chế. Theo đó, từ ngày 1/1/2024, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì thương phẩm của một số sản phẩm sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế (EPR) theo tỷ l​ệ, quy cách tái chế bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế. Vì vậy, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (gọi tắt là EPR), nhà nhập khẩu được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra giải pháp hiệu quả về tài chính cho xử lý vấn đề chất thải, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08 của Chính phủ. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện tử, dầu nhớt và các loại bao bì phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ôtô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

quy-dinh-tai-che-1-1732591321.jpg
Cả nước hiện có 67 đơn vị có đủ năng lực để thực hiện tái chế các loại sản phẩm, bao bì.(Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, EPR không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Theo Tiến sĩ Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia cho biết, từ ngày 1/1/2024, thông qua việc thực thi các văn bản pháp luật về môi trường và hành lang pháp lý cho hoạt động tái chế, nhiều doanh nghiệp tái chế đã thực hiện bài bản, đúng quy định.

"Tuy vậy, thời gian qua chúng tôi cũng nhận được ý kiến thắc mắc của một số doanh nghiệp (nhà sản xuất, nhà nhập khẩu) do chưa hiểu về quy định. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp kiến nghị làm rõ về định mức chi phí tái chế (Fs). Đây là một trong những sự lựa chọn để nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của mình. Fs cũng là cơ sở để thực hiện trách nhiệm xử lý, tái chế sản phẩm, bao bì trong trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu không tổ chức tái chế thì đóng tiền. Thế nhưng đóng tiền theo quy định nào thì hiện chưa có. Đây là “cái dở” dẫn đến vướng mắc" TS. Phan Tuấn Hùng chia sẻ.

TS. Phan Tuấn Hùng cũng cho rằng: Để giải quyết vấn đề vướng mắc trên, chúng ta cần phải sửa Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Vừa rồi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi nghị định theo hướng giữ nguyên lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế nhưng cho phép lùi thời điểm thực hiện.

Ví dụ nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn phương án đóng tiền để tái chế sản phẩm, bao bì phải thực hiện từ năm 2024 nhưng chưa thực hiện được do vướng chính sách thì được phép chuyển sang năm 2025 để thực hiện.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng kiến nghị kết hợp cả 2 phương án là vừa đóng tiền, vừa tái chế sản phẩm, bao bì cùng loại (ví dụ săm lốp, 1 phần tái chế, 1 phần đóng tiền) theo khả năng của mình. Tuy nhiên Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định “cứng” là chỉ được lựa chọn 1 trong 2 phương án “tái chế” hoặc “đóng tiền” đối với một loại sản phẩm tái chế. Quy định này là hợp lý bởi nếu dễ dãi sẽ dẫn tới “dễ người, khó mình,” khó quản lý.

Trường hợp doanh nghiệp có nhiều sản phẩm, bao bì khác nhau thì có thể lựa chọn tái chế hoặc đóng tiền theo từng loại bao bì, sản phẩm. Đây là quy định rất mở và linh hoạt của luật để các doanh nghiệp có hướng lựa chọn thực hiện hiệu quả. Còn các nước trên thế giới không có lựa chọn này.

quy-dinh-tai-che-2-1732591366.jpg
EPR chính là lợi thế cạnh tranh quốc gia, là “chứng chỉ xanh” để doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường lớn và tiêu chuẩn cao.(Ảnh minh họa)

Thời gian qua, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ về mức độ sẵn sàng thực hiện chính sách EPR. Kết quả khảo sát cho thấy, 93,55% doanh nghiệp có nhận thức ban đầu và đầy đủ về trách nhiệm thu gom, tái chế và xử lý chất thải. Hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo dựng hình ảnh thân thiện hơn với khách hàng.

Theo Tiến sĩ Phan Tuấn Hùng, hiện nay, cơ sở pháp lý thực thi EPR đã cơ bản hoàn thiện. Bộ TN&MT cũng đã xây dựng hệ thống đăng ký, kê khai, báo cáo trực tuyến; từ hệ thống này, các nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ thực hiện đăng ký, kê khai, báo cáo trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia mà không phải gửi bản giấy về Bộ TN&MT./.

Cả nước hiện có 67 đơn vị có đủ năng lực để thực hiện tái chế các loại sản phẩm, bao bì

Trước đó, vào ngày 20/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố danh sách 43 đơn vị có đủ năng lực thực hiện tái chế các loại sản phẩm, bao bì (đợt 2), để các nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn, ký kết hợp đồng tái chế; góp phần bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Trong số các đơn vị trên, có 28 đơn vị tái chế sản phẩm, bao bì; 5 đơn vị đủ năng lực tái chế ắc quy, pin; 1 đơn vị đủ năng lực tái chế dầu nhớt; 3 đơn vị tái chế săm, lốp; 6 đơn vị đủ năng lực tái chế sản phẩm điện, điện tử.

Các đơn vị tái chế bao bì được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập gồm: Công ty cổ phần giấy Hoàng Văn Thụ (tỉnh Thái Nguyên), Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Giấy Thuận An (tỉnh Bình Phước); Công ty cổ phần Giấy HKB - Hoa Lư (Ninh Bình); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Hiếu Sài Gòn (Bình Dương); Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Nhất Hoàng Gia (Vĩnh Phúc); Công ty Cổ phần kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu (Thành phố Hồ Chí Minh); Công ty cổ phần Q.M.T - JP Plastic (Đồng Nai)…

Các đơn vị tái chế ắc quy, pin gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dung Ngọc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Công ty Cổ phần Công nghiệp xanh Hùng Phát (tại tỉnh Bắc Ninh), Công ty Cổ phần kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu (Thành phố Hồ Chí Minh), Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị và công nghiệp Bắc Sơn (thành phố Hà Nội), Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 11 - URENCO11 (tỉnh Hưng Yên).

Các đơn vị tái chế săm, lốp gồm: Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Giải Pháp Xanh Bình Phước (tỉnh Bình Phước); Công ty cổ phần Hello quốc tế Việt Nam (Thừa Thiên - Huế), Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng (Đà Nẵng).

Các đơn vị tái chế sản phẩm điện, điện tử gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dung Ngọc và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Môi trường Quý Tiến (Bà Rịa - Vũng Tàu); Công ty Cổ phần Công nghiệp xanh Hùng Phát (Bắc Ninh); Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Bình Dương), Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị và công nghiệp Bắc Sơn (Hà Nội), Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp 11 - URENCO11 (Hưng Yên).

Đơn vị tái chế dầu nhớt duy nhất là Công ty Cổ phần Công nghiệp xanh Hùng Phát. Địa điểm cơ sở trực tiếp tái chế tại thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Trong tháng 2/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã công bố 24 đơn vị có đủ năng lực để thực hiện tái chế nhiều loại sản phẩm, bao bì (đợt 1). Như vậy, cùng với các đơn vị vừa được công bố đợt 2, cả nước hiện có 67 đơn vị có đủ năng lực để thực hiện tái chế các loại sản phẩm, bao bì./.

Bình Châu