Bảo vệ đa dạng sinh học vùng đất ngập nước Bàu Sấu

Vùng đất ngập nước Bàu Sấu được đánh giá là nơi có đa dạng sinh học bậc nhất của tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, khu vực này đang đối diện với tình trạng xâm hại tài nguyên. Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai tiếp tục tăng cường chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh kiểm tra, giám sát bảo tồn nguồn tài nguyên đa dạng tại khu vực này.

Năm 2005, Khu đất ngập nước Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên được Ban Thư ký công ước Ramsar - UNESCO công nhận đưa vào danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Khu Ramsar Bàu Sấu có diện tích 13.759ha, bao gồm 5.360ha đất ngập nước theo mùa và 151ha đất ngập nước thường xuyên.

Theo nghiên cứu, khu đất ngập nước này sở hữu hệ động, thực vật vô cùng đa dạng. Trong đó, phù du thực vật gồm 250 loài thuộc 7 ngành tảo; thảm thực vật bao gồm các loài thực vật trên cạn, thực vật thủy sinh khá phong phú với 127 loài thuộc 55 họ. Tại đây, có sự xuất hiện của các loài thực vật đặc trưng cho khu vực nước ngập quanh năm như rong, sen, súng, sậy, bèo ong, bèo cái….

dat-bau-1653623920.jpg
Tỉnh Đồng Nai chú trọng thực hiện các giải pháo bảo tồn và phát triển bền vững vùng đất ngập nước Bàu Sấu

Không chỉ thực hiện các chức năng điều chỉnh của một hệ sinh thái như điều tiết nguồn nước ngầm; biến đổi và kiểm soát dòng chảy; biến đổi các chất hữu cơ, biến đổi cacbon; đa dạng sinh vật; sinh sản của sinh vật; di cư và trú đông của sinh vật, Khu đất ngập nước Bàu Sấu còn là vùng sinh cảnh quan trọng bảo tồn và cung cấp nguồn giống cá nước ngọt cho toàn hệ thống sông Đồng Nai; điều tiết nguồn nước cho bà con sinh sống ở hạ lưu sông Đồng Nai và quanh VQG Cát Tiên; cung cấp nước cho hồ thuỷ điện Trị An…

Trong nhiều năm qua, VQG Cát Tiên nói chung và Khu ramsar Bàu Sấu nói riêng đã và đang được tiến hành khai thác tiềm năng phát triển du lịch. Bàu Sấu không chỉ là khu đất ngập nước có luồng hệ thực vật phong phú mà còn là một trong số ít nơi còn lưu giữ được di chỉ của nền văn hoá Óc Eo.

Tuy nhiên, vùng đất ngập nước Bàu Sấu đang đối mặt với nhiều thách thức của việc gia tăng tình trạng khai thác gỗ, đánh bắt cá, bẫy chim và động vật rừng. Sự xâm nhập của các loài ngoại lai như cây mai dương, cỏ trấp làm thu hẹp môi trường sống của các loài dưới nước, xử lý cây này tốn kém, mất nhiều thời gian mà không triệt để. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai (do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chưa qua xử lý) tác động trực tiếp đến môi trường sống của các loài thủy sinh, nước uống của động vật hoang dã.

Nhằm bảo tồn giá trị đa dạng sinh học tại vùng đất ngập nước Bàu Sấu, các đơn vị tại Vườn quốc gia Cát Tiên tiếp tục triển khai những nhiệm vụ tại Dự án "Cải thiện sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái đất ngập nước Ramsar - Bàu Sấu lồng ghép với các hoạt động sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường" ở các xã vùng đệm do Trung tâm Đất ngập nước Ramsar Đông Á (RRC-EA) tài trợ.

da-dang-sinh-bau-1653623938.jpg
Vùng đất ngập nước Bàu Sấu (thuộc VQG Cát Tiên) là nơi sở hữu đa dạng sinh học bậc nhất ở tỉnh Đồng Nai

Đồng thời, thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình đồng quản lý, kêu gọi sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ và chia sẻ lợi ích tài nguyên vùng đất ngập nước Bàu Sấu.

Vườn quốc gia Cát Tiên cũng đang phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức, đơn vị thực hiện các dự án nghiên cứu về thực vật rừng, động vật rừng, các loài thủy sản, nấm… để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái, phục hồi loài, làm cơ sở cho công tác theo dõi, đánh giá và giám sát tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Đặc biệt, chú trọng đến bảo tồn những giá trị tài nguyên tại vùng đất ngập nước Bàu Sấu.