Một số vấn đề mới về ANQG trong thời kỳ CMCN lần thứ Tư (4.0)
Điều 3, Luật An ninh quốc gia năm 2004 quy định: “An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc CMCN lần thứ tư (4.0), Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Vấn đề an ninh quốc gia cần được hiểu một cách toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống, như: An ninh mạng; khủng bố, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; an ninh tài chính - tiền tệ; an ninh năng lượng; an ninh lương thực; an ninh môi trường (thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước...), dịch bệnh; thậm chí cũng cần phải bàn đến “an ninh chính quyền”, “an ninh chế độ”… Đây là, những vấn đề an ninh nổi lên bắt nguồn từ những nguy cơ mới, tác động đa chiều của quá trình hội nhập quốc tế và phát triển.
Về phạm vi bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, nước ta phát triển tư duy mới về phạm vi bảo vệ an ninh quốc gia không chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới hành chính quốc gia, mà cần phải mở rộng nhằm bảo vệ lợi ích, an ninh quốc gia ở cả bên ngoài biên giới hành chính quốc gia. Phải chuyển từ tư duy thụ động, bó hẹp, khép kín, biệt lập sang tư duy chủ động, hợp tác và phát triển. Phải bảo vệ an ninh quốc gia từ xa, từ sớm, tạo vành đai an ninh từ ngoài lãnh thổ, biên giới hành chính quốc gia (an ninh đối ngoại…); bảo vệ an ninh không gian, vùng trời quốc gia (an ninh mạng, an ninh không gian mạng, an ninh hàng không…); bảo vệ an ninh dưới lòng đất quốc gia (an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước…).
Khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
Ngày 12/6/2018, Quốc hội đã thông qua Luật số 24/2018/QH14 Luật an ninh mạng, trong đó có giải thích các thuật ngữ: “An ninh mạng”; “Không gian mạng”; “Không gian mạng quốc gia”; “Bảo vệ không gian mạng”. Theo đó, “an toàn thông tin mạng được hiểu là sự bảo vệ hệ thống thông tin và thông tin truyền đưa trên mạng tránh bị truy cập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin”.
“Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng” là quyền tối cao, tuyệt đối, đầy đủ và riêng biệt của quốc gia đối với các vùng thông tin do Nhà nước quản lý, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bằng chính sách, pháp luật và năng lực công nghệ phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cũng giống như chủ quyền lãnh thổ, các quốc gia có quyền tối cao, tuyệt đối, hoàn toàn và riêng biệt đối với phạm vi không gian mạng thuộc quyền kiểm soát của mình, tức có chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, việc xác định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cần căn cứ vào phạm vi không gian mạng mà một quốc gia được quyền kiểm soát, chi phối trên cơ sở chủ quyền, lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế. Thực chất việc quốc gia xác lập chủ quyền không gian mạng là xác lập quyền quản lý, kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng và thông tin được tạo ra, lưu trữ, xử lý và truyền đưa trên đó, được thực hiện thông qua xác lập chủ quyền, quyền tài phán theo luật pháp quốc tế đối với cơ sở hạ tầng mạng thuộc sở hữu cả ở trong và ngoài lãnh thổ quốc gia; đồng thời mã hóa thông tin số truyền đưa trên không gian mạng toàn cầu.
Tình hình an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao ở Việt Nam hiện nay
Trước sự phát triển vượt bậc của thế giới về công nghệ thông tin thì Việt Nam cũng nằm trong vòng xoáy đó, trong những năm gần đây hệ thống mạng thông tin Việt Nam phát triển nhanh, nhưng ngược lại hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu chủ động phòng, chống tội phạm mạng và bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia.
Tội phạm sử dụng mạng máy tính gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ chiếm quyền điều khiển máy tính, thiết bị số, truy cập bất hợp pháp vào hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chiếm quyền điều khiển từ xa, thay đổi giao diện Website hoặc cơ sở dữ liệu... nhằm mục đích tống tiền hoặc hạ uy tín của các đơn vị này (trong vụ tấn công bằng mã độc WannaCry năm 2017, Việt Nam có trên 1.900 máy tính bị lây nhiễm mã độc này, trong đó có khoảng 1.600 máy tính của gần 250 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp).
Hoạt động sử dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch, phản động ngày càng phức tạp và nguy hiểm, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, bạo loạn, lật đổ chính quyền. thông qua các trang mạng xã hội để liên minh, liên kết, móc nối trong ngoài, tập hợp lực lượng nhằm lật đổ chính quyền đương nhiệm không thân Mỹ tại một số quốc gia, điển hình là phong trào “cách mạng hoa Lài” hay “Mùa xuân Ả Rập” thời gian qua.
Ở Việt Nam, chúng triệt để sử dụng mạng xã hội thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, đẩy mạnh khoét sâu các mâu thuẫn tồn tại trong xã hội để hô hào, kích động người dân xuống đường biểu tình, kêu gọi các quốc gia khác can thiệp và tập hợp lực lượng nhằm lật đổ chính quyền; tuyên truyền gây mất đoàn kết và phá hoại nội bộ lãnh đạo, gây suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân trong bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng hiện nay
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thế lực thù địch, phản động luôn lợi dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật để chống phá Việt Nam, đặc biệt là gia tăng các hoạt động tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, do đó, để bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần gương mẫu làm tốt một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là các cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, phá hoại của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng. Hoạt động thường xuyên, phổ biến của các thế lực thù địch trên không gian mạng là tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Trong khi đó, số lượng người dân Việt Nam được tiếp cận, sử dụng Internet ngày càng nhiều, kiến thức, kỹ năng về tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng của một bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến tình trạng số lượng không nhỏ người dân dễ bị các đối tượng lôi kéo, tiêm nhiễm các quan điểm sai trái, thù địch. Để mỗi người dân có thể “miễn dịch” với các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ địch và cao hơn có thể trở thành chiến sĩ kiên trung, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, chúng ta cần làm rõ, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn từ những thông tin xấu xa, độc hại, ác ý của các thế lực thù địch, phản động. Cần dựa vào những tài liệu, thông tin chính thống, hướng dẫn của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể cấp trên để tổ chức cung cấp nhanh cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân những luận cứ, thông tin xác đáng và dựa vào đó, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên mạng internet, mạng xã hội.
Hai là, đối với mỗi cán bộ, đảng viên luôn tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; giữ vững bản lĩnh chính trị, tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên; nêu cao ý thức tuyên truyền, đấu tranh với các thủ đoạn, âm mưu thâm độc của kẻ thù, thường xuyên chia sẻ, viết bài, bình luận những thông tin chính thống để định hướng dư luận xã hội, đồng thời tuyên truyền kết quả về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, mô hình, điển hình trên mọi lĩnh vực để lấy cái đẹp, dẹp cái xấu.
Ba là, cùng chung tay, góp sức xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh. Tăng cường công tác tuyên truyền đến người thân, gia đình và cộng đồng nâng cao nhận thức, năng lực bảo đảm an toàn, an ninh mạng và thông tin mạng quốc gia của người dân và toàn xã hội để mỗi người sử dụng có kiến thức cơ bản về bảo mật trong môi trường mạng; thường xuyên được cập nhật về tình hình, mức độ rủi ro mất an toàn thông tin để có thể tự phòng ngừa hiệu quả, phát hiện,tránh các thông tin xấu, độc, xuyên tạc chủ quyền an ninh quốc gia.
Bốn là, tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên không gian mạng. Chú trọng công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ động phòng ngừa những sơ hở, thiếu sót, không để các thế lực thù địch, phản động và các loại đối tượng lợi dụng xâm phạm hệ thống thông tin, thu thập, chiếm đoạt bí mật nhà nước, thông tin nội bộ gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Tuân thủ các quy định của Luật An toàn thông tin mạng năm 2015. Chấp hành nghiêm các quy định về bảo mật nhà nước, quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi làm mất an ninh, an toàn thông tin; lộ, lọt bí mật nhà nước, thông tin nội bộ hoặc lợi dụng bí mật nhà nước, thông tin nội bộ để thực hiện các hành vi trái pháp luật.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc CMCN lần thứ tư (4.0) ngày nay, bảo vệ ANQG là công việc hệ trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Vì vậy đối với mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm trong nhận thức về bảo vệ chủ trương, quan điểm của Đảng, bảo vệ ANQG nói chung và bảo vệ ANQG trên không gian mạng nói riêng. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch xung quanh vấn đề bảo vệ ANQG trên không gian mạng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong tình hình mới.