Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai có tổng vốn đầu tư 1.030 tỷ đồng. Đây là dự án thứ 4 trong Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại Việt Nam của Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai |
Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai có quy mô trên diện tích đất khoảng 100ha gồm khu trang trại chăn nuôi 2.500 heo giống cụ kỵ chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan; nhà máy giết mổ heo thịt; nhà máy sản xuất phân hữu cơ; khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ; khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh, đất giao thông; hạ tầng kỹ thuật, khu tập kết, thu mua, bảo quản, đóng gói trái cây theo tiêu chuẩn xuất khẩu chất lượng cao.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn phát biểu |
Giai đoạn 1 khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai có tổng diện tích 50 ha, công suất 2.500 heo cụ kỵ, ông bà và 25.000 heo hậu bị.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành cho biết, Dự án chăn nuôi Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai được xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao giá trị trong lĩnh vực chăn nuôi tập trung công nghệ cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Theo ông Võ Ngọc Thành, Gia Lai đang định hình hướng đi phù hợp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung, cầu của thị trường trong nước và thế giới. Chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang được tỉnh quyết liệt thực hiện và đã thu hút, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Lễ ký kết hợp tác phát triển |
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus khu vực châu Á, cho biết dự án sẽ áp dụng công nghệ chăn nuôi 4.0 xuyên suốt quá trình chăn nuôi, giúp kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi, tối ưu hóa hiệu suất. Đặc biệt, dự án còn sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời giảm phát thải CO2, trồng trọt theo hướng hữu cơ, giết mổ heo và sản xuất phân bón hữu cơ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các tổ chức quốc tế chuyên ngành.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn, sau dự án tại Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai, liên doanh sẽ tiếp tục đầu tư tại Đắk Nông và Kon Tum. Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực châu Á.
De Heus là một những tập đoàn chăn nuôi hàng đầu thế giới với quy mô hơn 100 nhà máy trên toàn cầu, sản phẩm được được xuất khẩu hơn 75 quốc gia, vùng lãnh thổ trên trên toàn thế giới. Trong khi đó, đối tác của De Heus tại Việt Nam là Tập đoàn Hùng Nhơn hiện sở hữu 15 công ty thành viên và hệ thống chuỗi DHN, với 1.000 ha trang trại tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Trong những năm qua, tỉnh Gia Lai đã thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư vào nông nghiệp. Theo thống kê, tỉnh đã thu hút được 23 dự án trồng trọt, tổng vốn đầu tư khoảng 4.700 tỷ đồng; 103 dự án chăn nuôi, tổng vốn đầu tư khoảng 15.300 tỷ đồng và 44 dự án lĩnh vực chế biến, với tổng vốn đầu tư là 13.666 tỷ đồng.
Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án về lĩnh vực logistics, chế biến đường, thức ăn chăn nuôi, súc sản, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, phân bón, chế biến gỗ, than hoạt tính, dược liệu… với tổng vốn đầu tư khoảng gần 9.000 tỷ đồng./.