Tỉnh Gia Lai kêu gọi đầu tư 35 dự án quy mô hơn 8.300 ha

UBND tỉnh Gia Lai vừa phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 (đợt 2). Trong danh mục này có 35 dự án quy mô 8.337 ha, trong đó, nhiều dự án công nghiệp chế biến sâu, hạ tầng thương mại.

Cụ thể, 35 dự án quy mô 8.337 ha thuộc các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng; công nghiệp chế biến nông - lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng; nông - lâm nghiệp; giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch.

Trong đó, 11 dự án xây dựng hạ tầng gồm Trung tâm logistics quốc tế Tây Nguyên tại huyện Mang Yang (giai đoạn 1 - 266 ha; giai đoạn 2 - 245 ha); Cụm công nghiệp số 1 huyện Đak Pơ 75 ha; Khu dân cư đường Đặng Trần Côn, TP. Pleiku 2 ha; Khu dân cư 125A Lý Nam Đế, TP. Pleiku quy mô một ha; Khu đô thị thôn 3, xã Diên Phú, TP. Pleiku 14,95 ha; Dự án Khu biệt thự và nhà phố cao cấp xã Trà Đa, TP. Pleiku 11 ha; Tổ hợp trung tâm thương mại và khách sạn huyện Phú Thiện 1,67 ha; Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp thị xã An Khê rộng 2 ha; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh Chợ Thắng Lợi, TP. Pleiku 2.038 m2; bệnh viện huyện Chư Sê 3,782 ha (150 giường bệnh); Khu dân cư đường Lương Thế Vinh và hẻm 142 Tôn Đức Thắng, phường Yên Thế, TP. Pleiku 1,62 ha.

images31304331chot-20220614122839451-1655306006.jpg
Một góc tỉnh Gia Lai. (Ảnh: UBND tỉnh Gia Lai).

Xác định một trong các trụ cột kinh tế của tỉnh là công nghiệp chế biến sâu, tỉnh Gia Lai kêu gọi 8 dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến nông, lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng gồm: Dự án nhà máy chế biến và xuất khẩu trái cây (quy mô 1 ha) tại Cụm tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Prông; dự án nhà máy chế biến gỗ (quy mô 20 ha) tại cụm công nghiệp huyện Mang Yang; dự án nhà máy sản xuất chất đốt từ phế phẩm nông nghiệp (quy mô 1,06 ha) tại cụm công nghiệp thị xã Ayun Pa; dự án nhà máy sản xuất chế biến gỗ và ván ghép thanh (quy mô 1 ha) tại cụm công nghiệp huyện Chư Păh; dự án nhà máy chế biến thức ăn gia súc (quy mô 20 ha) tại xã Đăk Ta ley, huyện Mang Yang; dự án nhà máy sản xuất phao (quy mô 2 ha) tại cụm công nghiệp Chư Păh; dự án nhà máy chế biến đá Granite và đá Bazan (quy mô 1,4 ha) tại cụm công nghiệp huyện Đăk Pơ; và dự án xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi hợp tác xã gắn với sản xuất kinh doanh tại xã Ia Krel, huyện Đức Cơ. Tất cả các dự án đều ở vị trí đất sạch, do nhà nước quản lý, có thể khảo sát đầu tư ngay.

Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn kêu gọi đầu tư 14 dự án lĩnh vực nông, lâm nghiệp (chủ yếu là trồng rừng, trồng cây dược liệu, dự án trang trại chăn nuôi) và 2 dự án du lịch gồm dự án khu du lịch sinh thái suối đá cổ Ia Ly và Dự án tổ hợp đô thị sinh thái, du lịch tâm linh Hòn đá Trải.

UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc công bố Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng và hướng dẫn việc thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai diễn ra mới đây, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2021 (GRDP) tăng 9,03% so với năm 2020. Trong thu hút đầu tư, có 60 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, vốn đăng ký 29.227 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỷ đồng. Với thực tế thu ngân sách tăng cao, đạt gần 8.000 tỷ đồng. Gia Lai chính thức gia nhập nhóm các tỉnh thành có mức thu ngân sách trên 5.000 tỷ đồng.

Anh Vân (t/h)