Gia Lai tìm đầu ra ổn định cho dưa hấu

Hàng nghìn ha dưa hấu tại các địa phương trong tỉnh Gia Lai đang chịu cảnh được mùa, mất giá. Theo đó, giá dưa hấu giảm chỉ còn khoảng từ 2.000-3.000 đồng/kg khiến người trồng dưa lao đao. Cũng như các loại nông sản khác, điều trăn trở của người dân trồng dưa hấu tại Gia Lai là làm sao tìm được đầu ra ổn định để không còn cảnh thấp thỏm về vụ mùa như những năm gần đây.

Nhiều năm trước, dưa hấu tại Gia Lai được bán với giá từ 8.000-10.000 đồng/kg kéo thêm hàng trăm người từ các tỉnh miền Trung lên thuê đất trồng. Nhưng hai năm trở lại đây, giá dưa hấu ngày càng sụt giảm khiến người trồng điêu đứng vì không bù đủ vốn, thậm chí có những ruộng dưa để trắng ngoài đồng không thu hái vì giá quá thấp.

Từ thị xã An Nhơn, Bình Định, gia đình ông Cù Bình lên xã Đất Bằng, huyện Krông Pa thuê đất trồng dưa hấu. Ông Bình cho biết, qua khảo sát nhiều nơi chỉ có trồng ở huyện Krông Pa thì quả dưa mới đạt năng suất, chất lượng cao. Do vậy tiền thuê đất cũng khá đắt, mỗi ha gần 20 triệu đồng. Con cái để lại cho ông bà dưới quê chăm sóc, hai vợ chồng ông thuê người trồng dưa hấu với hy vọng được giá được mùa cho bỏ công chăm bón. Nhưng hiện đến mùa thu hoạch, giá dưa rớt, 240 tấn dưa của gia đình nếu bán hết cũng không thu hồi được kinh phí đầu tư và không biết lấy gì bù lỗ để về quê.

Ông Bình cho hay, vụ dưa năm nay này lỗ khoảng 300 triệu đồng. Kinh phí đầu tư từ thuê đất đến thuê nhân công chăm sóc, máy cày đất rồi tiền đầu tư hệ thống tưới và phân bón. Nông sản xuất sang Trung Quốc mắc kẹt tại cửa khẩu phía Bắc, ít thương lái thu mua, giá dưa rớt thảm hại. Bữa đầu mùa, thấy giá thấp quá, nhà ông gắng chờ đến nay nhưng không khả quan đành bán.

Cảnh ngộ nhà ông Võ Văn Lành, thị xã An Nhơn, Bình Định cũng tương tự. Khi xuống giống trên 3,5 ha đất thuê ở xã Ia Mlá, huyện Krông Pa, gia đình ông hy vọng sẽ được mùa, được gián bù lại chi phí đầu tư 500 triệu đồng và lãi thêm vài trăm triệu đã theo mây khói. Không như dự tính, đa phần hộ trồng dưa năm nay đều bán với giá 1.500 đồng/kg. Nhà ông Lành thu được hơn 140 tấn dưa, giá thấp, lỗ gần 300 triệu đồng.

images2863098-image8-1648086651.jpeg
Ảnh minh hoạ

Theo bà Nguyễn Thị Thu, thương lái từ Quảng Ngãi lên thu mua dưa hấu trồng ở khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai chia sẻ, lý do không mua giá cao là bởi các cửa khẩu phía Bắc đã mở lại, nhưng lượng hàng xuất qua chưa nhiều, nguy cơ tái ùn ứ có tiếp diễn. Những thương lái chỉ dám mua với giá thấp để nếu vận chuyển ra không xuất bán được thì thiệt hại kinh tế cũng thấp hơn.

Ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa cho hay, vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn huyện Krông Pa gieo trồng khoảng 1.000 ha dưa hấu, chủ yếu giống hắc mỹ nhân, sản lượng dự kiến đạt hơn 40.000 tấn quả. Hiện vụ thu hoạch còn hơn 1 tháng nữa. Tuy nhiên do giá dưa xuống thấp, chỉ từ 1.500-3.000 đồng/kg, đa phần người trồng thua lỗ. Toàn bộ diện tích trồng dưa là của người dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên thuê đất để trồng và đều là tự phát, không có trong quy hoạch của huyện.

Bên cạnh đó, thương lái đến mua dưa tại huyện theo hình thức tự do, không có ký kết hợp đồng hay trợ giá tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nên chính quyền và ngành chức năng không thể đưa ra những định hướng, hỗ trợ cho họ. Thị trường tiêu thụ chính của dưa hấu chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, với tình hình Trung Quốc kiểm soát chặt tại các cửa khẩu để phòng chống dịch COVID-19 thì việc xuất khẩu rất khó khăn khiến người trồng dưa lỗ nặng, trung bình mỗi ha lỗ từ 40-50 triệu đồng.

"Chưa có năm nào giá dưa hấu lại xuống thấp như năm này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện để cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm dưa hấu của huyện, tiến đến xuất khẩu chính ngạch để giá dưa hấu khi xuất bán được đảm bảo hơn" - ông Đinh Xuân Duyên cho biết thêm.

Về phía tỉnh Gia Lai, theo ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tỉnh đã giao cho Sở Công Thương hỗ trợ nông dân tiêu thụ mặt hàng dưa hấu thông qua các sàn thương mại điện tử. Các tổ hỗ trợ sẽ trực tiếp đăng tải thông tin các mặt hàng nông dân lên hệ thống các sàn điện tử. Từ đó, kết nối tiêu thụ không chỉ mặt hàng dưa hấu mà còn nhiều mặt hàng khác với các tỉnh, thành trong cả nước./.