Minh bạch vùng trồng để đáp ứng quy định chống phá rừng và sự phát triển bền vững của nông sản Việt Nam

Để đáp ứng "rào cản kỹ thuật đối với thương mại" từ EU về quy định chống phá rừng, Bộ NN&PTNN đang tiếp tục triển khai nhiều chính sách, hành động cụ thể nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp, hiệp hội với phương châm, thứ nhất phải biết, thứ hai phải hiểu, thứ ba phải thẩm thấu được và thứ tư phải biến thành hành động.
quy-dinh-ve-chong-pha-rung-4-1731920177.jpg
Ủy ban liên minh về biến đổi khí hậu (IPCC) đã đưa ra kết luận rằng phá rừng và suy thoái rừng chính là hai trong những tác nhân chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.(Ảnh minh họa)

Việt Nam có ba nhóm hàng bị tác động chính của EUDR

Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) dự kiến sẽ bắt đầu được thực thi vào tháng 1/2025 đối với các doanh nghiệp lớn. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong các mặt hành chịu sự điều chỉnh của quy định trên, Việt Nam có ba nhóm hàng bị tác động chính là gỗ, cao su và cà phê.

Trong đó cà phê chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Nếu tính riêng 27 nước Liên minh châu Âu, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang thị trường này chiếm khoảng 40% tổng khối lượng xuất khẩu với kim ngạch gần 2 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, các sản phẩm xuất sang EU thì không được liên quan đến xâm lấn rừng và làm hại chất lượng của rừng bắt đầu tính từ thời điểm 31/12/2020. Nếu họ phát hiện được thì chắc chắn hàng hóa sẽ bị trả về và không bao giờ có cơ hội đưa hàng hóa vào lại thị trường châu Âu. Khi các doanh nghiệp cung cấp hàng vào EU phải có trách nhiệm thông báo về nguồn gốc sản phẩm của mình.

Việc khai báo thì có hai điểm cơ bản. Một là phải chứng minh được bản đồ địa lý nằm ở khu vực không liên quan đến diện tích rừng. Bản đồ địa lý phải bảo đảm có cơ sở khoa học và bảo đảm đủ tính hợp pháp. Thứ hai là phải có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ".

quy-dinh-ve-chong-pha-rung-1-1731920157.jpg
Theo Quy định chống phá rừng của EU (EUDR), Việt Nam có ba nhóm hàng bị tác động chính là gỗ, cao su và cà phê. (Ảnh minh họa)

Ngay từ khi quy định được thông qua vào tháng 6/2023, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu này. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nêu quan điểm, việc chúng ta hành động không chỉ để đáp ứng yêu cầu EUDR mà chúng ta hành động cho chính sự phát triển bền vững của các ngành hàng Việt Nam, cũng như để lại môi trường bền vững, di sản tốt cho con cháu chúng ta.

Thời gian tới, để đáp ứng "rào cản kỹ thuật đối với thương mại" từ EU về quy định chống phá rừng, Bộ NN&PTNN đang tiếp tục triển khai nhiều chính sách, hành động cụ thể nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp, hiệp hội với phương châm, thứ nhất phải biết, thứ hai phải hiểu, thứ ba phải thẩm thấu được và thứ tư phải biến thành hành động.

Doanh nghiệp thích ứng với các quy định EUDR ngay khi quy định này có hiệu lực

Theo quy định, bất kỳ nhà khai thác hoặc thương nhân nào đưa các mặt hàng này vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường này phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng.

Thông tin với báo chí, ông Phạm Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cho rằng: Quy định EUDR ảnh hưởng 7 mặt hàng chính của Việt Nam, trong đó có cà phê. Hiện, diện tích cà phê của Việt Nam là trên 700.000 hecta, chủ yếu ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Thời gian qua, các hộ nông dân và doanh nghiệp đã quan tâm nhiều đến EUDR, nhất là vấn đề truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, vẫn còn những bối rối đối với một số quy định EUDR về định vị (GPS) xác nhận về nguy cơ gây mất rừng chưa được thống nhất. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, nếu thống nhất theo bản đồ đất phá rừng của EUDR thì sẽ lệch với một số các quy định chung trước đây chúng ta đã làm, ngoài ra từng hãng thu mua đã đưa ra quy định riêng.

quy-dinh-ve-chong-pha-rung-3-1731920278.jpg
Mặt hàng cà phê của Việt Nam sẽ phải tuân thủ EUDR khi xuất khẩu vào châu Âu. (Ảnh minh họa)

Trước những quy định mà EUDR đưa ra, Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam cũng đã nhận thức rõ, đồng thời hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các đơn vị cấp các chứng nhận có công văn kiến nghị hướng dẫn các thủ tục, nội dung của EUDR, trong đó bản đồ về đất phá rừng của EU là quan trọng nhất. Ngoài ra, Hiệp hội cũng đã đưa các thành viên học tập các đơn vị đưa ra các quy cầu của EUDR tại EU.

Hiện, doanh nghiệp cà phê đã có chuẩn bị tương đối tốt để thích ứng với các quy định EUDR ngay khi quy định này có hiệu lực. Tuy nhiên, quá trình thực thi sẽ có khác nhau, vì thế rất cần sự đồng hành từ cơ quan chức năng để hướng dẫn doanh nghiệp cà phê triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất.

quy-dinh-ve-chong-pha-rung-5-1731920304.jpg
Việc thực hiện EUDR là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam trong việc cải thiện quy trình quản lý và nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu.(Ảnh minh họa)

Ngay sau khi EUDR được ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp với EU và ban hành Khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR. Kế hoạch này nhấn mạnh vào các khía cạnh như tăng cường giám sát các vùng rủi ro cao, chủ động trao đổi với EU, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, rà soát bản đồ thực địa, nâng cao nhận thức....

Song theo ý kiến của các chuyên gia, cần có thêm sự tham gia của tất cả các bên liên quan, như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và hiệp hội 3 ngành hàng. Do vậy, nên thành lập Nhóm công tác chuyên trách việc chuẩn bị thông tin và tiến hành đối thoại với EU với sự tham gia đầy đủ của đại diện các bên liên quan.

Việc thực hiện EUDR là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam trong việc cải thiện quy trình quản lý và nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu. Thông qua các hành động cụ thể và chiến lược phối hợp chặt chẽ, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng yêu cầu của EU cũng như các thị trường xuất khẩu lớn khác trong tương lai./.

Liên quan tới thời điểm thực thi EUDR, ngày 14/11 (giờ địa phương), Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua đề xuất hoãn một năm đối với EUDR. Đề xuất này nhận được 371 phiếu thuận và 240 phiếu chống.

Theo quyết định mới, các doanh nghiệp lớn và các nhà điều hành sẽ có thời hạn đến ngày 30/12/2025 để tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của EUDR. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ được gia hạn đến ngày 30/6/2026.

Trước đó, vào tháng 10, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất hoãn thực thi EUDR thêm 12 tháng, tức đến tháng 12/2025. Đề xuất này được đưa ra sau khi nhận được các phản ánh từ 20 quốc gia thành viên EU cùng một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp toàn cầu, cũng như các quốc gia xuất khẩu lớn như Brazil, Indonesia, và Hoa Kỳ.

Đề xuất của EC không thay đổi nội dung cốt lõi của luật, do đó đã nhận được sự ủng hộ từ các chính phủ thành viên trong EU.

Tại Nghị viện châu Âu, một cuộc bỏ phiếu sít sao đã thông qua việc thêm danh mục “không rủi ro”, cho phép áp dụng các biện pháp kiểm soát nới lỏng hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ những quốc gia này. Điều này làm tăng thêm sự bất định về cách thực thi EUDR, bởi các nhà lập pháp EU sẽ cần đàm phán với các chính phủ để đạt được sự đồng thuận cuối cùng.

Quyết định này được đưa ra nhằm phản hồi những lo ngại từ một số quốc gia thành viên EU, các doanh nghiệp và các quốc gia đối tác ngoài EU. Tuy nhiên, việc hoãn thực thi EUDR cũng gây ra nhiều tranh cãi khi được cho là làm chậm tiến trình bảo vệ rừng và giảm tác động môi trường.

Theo TS. Rui Ludovino - Tham tán thứ nhất về Hành động Khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng: Với đề xuất gia hạn thêm 12 tháng chuẩn bị, EU mong muốn tạo điều kiện cho tất cả doanh nghiệp, các quốc gia thứ ba và các bên liên quan khác có thêm thời gian chuẩn bị thích ứng cho việc triển khai EUDR.

Trọng Bình