Chuyển đổi logistics xanh doanh nghiệp gặp khó từ thiếu vốn tới hạ tầng chưa đồng bộ

Nhiều doanh nghiệp cho biết, khó khăn khi thực hiện logistics xanh là vấn đề đầu tư cho công nghệ, xanh hoá bao bì đóng gói, kho bãi sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm khí nhà kính, giảm rác thải ra môi trường… Những yêu cầu này đòi hỏi cần nguồn tài chính rất lớn trong khi doanh nghiệp hạn chế về vốn…
doanh-nghiep-lo-gis-tic-xanh-4-1731722526.jpg
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một phức tạp, logistics xanh đã và đang trở thành xu hướng không thể thiếu đối với doanh nghiệp trong việc quản lý và tạo ra chuỗi cung ứng bền vững. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp logistics thực hiện chuyển đổi xanh còn khiêm tốn

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, hiện nay số doanh nghiệp logistics thực hiện chuyển đổi xanh còn khiêm tốn trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp logistics trên cả nước. Nguyên nhân do việc triển khai rộng rãi logistics xanh còn gặp nhiều thách thức, như: các rào cản kỹ thuật và công nghệ, vấn đề về chi phí đầu tư, hạn chế trong nhận thức của chính doanh nghiệp, hạ tầng logistics chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, nhận thức và hiểu biết của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa về yêu cầu xanh hóa ngành logistics đang rất hạn chế. Kế đến là sự hạn chế về công nghệ, trong khi đó, việc áp dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa chuỗi cung ứng lại đòi hỏi kỹ năng cao và công nghệ tiên tiến, điều mà không phải mọi doanh nghiệp đều có khả năng đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, khó khăn khi thực hiện logistics xanh là vấn đề đầu tư cho công nghệ, xanh hoá bao bì đóng gói, kho bãi sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm khí nhà kính, giảm rác thải ra môi trường… Những yêu cầu này đòi hỏi cần nguồn tài chính rất lớn trong khi doanh nghiệp hạn chế về vốn…

Bà Đặng Hồng Nhung, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trước khó khăn của doanh nghiệp, Bộ đang đồng hành cùng các cơ quan liên quan, ghi nhận và đưa ra các giải pháp tháo gỡ. Cùng với đó, tham mưu lãnh đạo Chính phủ để có chiến lược thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics gắn với logistics xanh và phát triển bền vững.

Đồng thời cho rằng, các dự án về xây dựng trung tâm logistics đang là danh mục ưu đãi để đầu tư, trong đó, phát triển logistics xanh sẽ có các chính sách ưu đãi của Chính phủ tập trung vào việc khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang các phương tiện có lượng phát thải thấp, xe điện. Cụ thể, Chính phủ miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm đầu tiên cho xe tải điện vận hành bằng pin và giảm 50% lệ phí trước bạ trong hai năm tiếp theo.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có những dự án hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi tiết kiệm điện năng…

doanh-nghiep-lo-gis-tic-xanh-2-1731722591.jpg
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay số doanh nghiệp logistics thực hiện chuyển đổi xanh còn khiêm tốn trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp logistics trên cả nước.(Ảnh minh họa)

Hiện tại Bộ đang đang dự thảo vế chiến lược phát triển dịch vụ logictis Việt Nam 2025-2035 tầm nhìn đến 2045, việc phát triển logictis xanh cũng là một trong những quan điểm hàng đầu. Sau khi dự thảo được ban hành Bộ sẽ xây dựng chiến lược phát triển xanh cho dịch vụ logictis, trong đó sẽ tích hợp về điện năng, phương thức vận tải xanh hoá tối ưu hơn.

Theo ông Mai Trần Thuật, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á, cũng đồng tình với nhận định khó khăn đầu tiên khi thực hiện logistics xanh là vấn đề đầu tư cho công nghệ, xanh hoá bao bì đóng gói, kho bãi sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm khí nhà kính, giảm rác thải ra môi trường… Những yêu cầu này đòi hỏi cần nguồn tài chính rất lớn trong khi doanh nghiệp hạn chế về vốn.

“Như hiện tại chúng tôi vận hành một kho khoảng 10 nghìn pallet, đang mất khoảng 200 triệu đồng tiền điện/tháng. Ngoài câu chuyện chi phí, lượng điện sử dụng này thải ra môi trường rất nhiều khí độc. Nên chuyển đổi xanh, đưa dòng điện mặt trời áp mái vào sẽ giảm chi phí rất nhiều, giảm phát thải khí nhà kính, song câu chuyện đầu tư ban đầu sẽ khá tốn kém”, ông Thuật chia sẻ.

Hơn nữa, sản lượng điện mặt trời thừa doanh nghiệp chưa được phép mua-bán…, dẫn đến doanh nghiệp không thể đầu tư được. Hay vấn đề vận tải, hiện nay doanh nghiệp vận chuyển bằng xe tải lạnh, nhiên liệu chiếm đến 35 – 45%, thải ra lượng khí carbon rất lớn. Doanh nghiệp muốn đưa xe tải điện vào sử dụng nhưng hiện tại ở Việt Nam chưa có bên nào cung cấp xe tải điện.

Doanh nghiệp logistics cần linh hoạt vận dụng các chính sách khuyến khích phát triển xanh

Nhiều chuyên gia cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần phải thay đổi từ nhận thức tư duy, đến hành động, xây dựng chiến lược phát triển xanh để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Cùng với đó, cần phải triển khai các biện pháp xanh hóa từng hoạt động dịch vụ từ kho bãi như thay thế hệ thống nguồn điện năng, sang các nguồn điện năng thân thiện hơn với môi trường.

Đối với những chính sách của Nhà nước để khuyến khích phát triển xanh, các doanh nghiệp cần tranh thủ các chính sách này để khắc phục những hạn chế nguồn lực tài chính để có thể xanh hóa các hoạt động của mình, qua đó nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tại Hội thảo "Đẩy mạnh xuất nhập khẩu - Giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?", ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng nêu khuyến nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần sử dụng dịch vụ kho bãi linh hoạt, áp dụng các kho ngoại quan, kho chung (fulfillment center) để giảm chi phí lưu trữ và tăng tốc độ xử lý hàng hóa; Đảm bảo tính bền vững và thân thiện môi trường, áp dụng giải pháp logistics xanh, giảm lượng khí thải và tiêu thụ năng lượng trong quá trình vận chuyển.

doanh-nghiep-lo-gis-tic-xanh-3-1731722651.jpg
Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, khó khăn khi thực hiện logistics xanh là vấn đề đầu tư cho công nghệ, xanh hoá bao bì đóng gói, kho bãi sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm khí nhà kính, giảm rác thải ra môi trường…(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, ông Lễ cho rằng, các doanh nghiệp cần chuyển đổi sang công nghệ sản xuất xanh theo hướng tối ưu hoá sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến giúp giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu giảm phát thải; Tối ưu hóa lộ trình và phương thức vận tải thông qua kết hợp đa phương thức vận tải (đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường sắt) để tối ưu chi phí và thời gian vận chuyển.

Mặt khác, trong hoạt động, các doanh nghiệp cần chú trọng quản lý rủi ro chuỗi cung ứng, thiết lập kế hoạch dự phòng nhằm giảm thiểu rủi ro khi gặp các sự cố bất ngờ như biến động giá dầu, thay đổi chính sách thuế, hoặc thiên tai. Nghiên cứu phương án tăng tỷ lệ thuê ngoài logistics để tăng tính chuyên môn hoá, giảm tỉ lệ hao hụt, tổn thất. Kết hợp với các doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ logistics và hợp tác với các đối tác trong chuỗi cung ứng để tận dụng lợi thế nhờ quy mô; tạo sức mạnh của mạng lưới chủ hàng (buyer’s power)...

Thông tin tại Tọa đàm “Thích ứng logistics xanh - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”, bà Đặng Hồng Nhung, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay các chính sách ưu đãi của Chính phủ đang tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp logistics trong chuyển đổi phương tiện. Tức là chúng ta đang khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang các phương tiện có lượng phát thải thấp và sử dụng chủ yếu là phương tiện vận tải bằng điện./.

Bình Nguyên