Doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh bằng quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là vấn đề được nhiều doanh nghiệp Đắk Nông quan tâm hiện nay. Đó là cơ sở cho việc bảo hộ nhãn hiệu, góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

Trong thời gian qua, các cấp Sở, Ban, Ngành Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Đắk Nông đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Kết quả bước đầu cho thấy nỗ lực này đã đáp ứng tốt nhu cầu  sử dụng nhãn hiệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và HTX.

mot-nhan-hieu-bot-ca-cao-cua-dak-nong-da-xuat-hien-tren-ke-hang-trong-he-thong-cua-saigon-coop-1722853505.jpg
Một nhãn hiệu bột ca cao của Đắk Nông đã xuất hiện trên kệ hàng trong hệ thống của Saigon Coop

Theo quan điểm của tỉnh, việc quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm địa phương hiện nay cần dựa trên lợi thế, đặc điểm và cách thức tổ chức sản xuất thương mại phù hợp. Một số sản phẩm đã  được cải thiện về chất lượng, hiệu quả sản xuất tăng lên so với trước và giá cả cũng tốt hơn. Mặt khác, doanh nghiệp sản xuất có thương hiệu bán hàng và liên kết theo chuỗi sẽ có cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp thương mại. Giá trị và năng lực cạnh tranh của các nông sản, đặc sản địa phương vì thế cũng sẽ tăng lên.

Việc bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm nông sản là vấn đề mà cơ sở kinh doanh Hiền Hoàng (huyện Đắk R’lấp) rất quan tâm.. Theo đại diện của cơ sở này, các sản phẩm của cơ sở nhờ quyền SHTT mà được người tiêu dùng biết đến nhiều và thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng. Cơ sở Hiền Hoàng có sản phẩm mắc ca sấy đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao.

san-pham-hat-mac-ca-say-dat-chung-nhan-ocop-3-sao-cua-mot-co-so-kinh-doanh-tai-huyen-dak-rlap-1722853378.jpg
Sản phẩm hạt mắc ca sấy đạt chứng nhận OCOP 3 sao của cơ sở cơ sở kinh doanh Hiền Hoàng (huyện Đắk R’lấp)

Bà Hoàng Thị Thu Hiền - chủ cơ sở Hiền Hoàng cho biết, ngay từ ngày đầu bước vào sản xuất, bà Hiền đã chủ động đăng ký SHTT cho sản phẩm, nhãn mác, logo… Cùng với đó, Các tiêu chuẩn về mẫu mã, tem nhãn của cơ sở cũng đều đáp ứng đầy đủ theo quy trình nghiêm ngặt. 

Bà Hiền cho biết nhờ làm bài bản ngay từ đầu nên Các sản phẩm của cơ sở khi ra thị trường được kiểm soát và quản lý chặt chẽ chất lượng cùng nguồn gốc. Điều này đã xây dựng uy tín cho sản phẩm, vừa hạn chế được hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường. “Sản phẩm sau khi được bảo hộ SHTT đã không ngừng nâng cao về uy tín lẫn giá trị kinh tế. Thương hiệu của chúng tôi ngày càng được khẳng định.” - Bà Hiền chia sẻ.

Một đơn vị khác là Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu mắc ca sachi Thịnh Phát. Đây là doanh nghiệp đang sở hữu nhiều sản phẩm được đăng ký bảo hộ về nhãn hiệu như mắc ca, trái cây sấy, sachi… Trong đó, một số sản phẩm được cấp giấy chứng nhận các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực. Điều này khẳng định cho thương hiệu cũng như chất lượng nông sản của công ty trên thị trường.

san-pham-trai-cay-say-cua-cong-ty-tnhh-thuong-mai-xuat-nhap-khau-mac-ca-sachi-thinh-phat-tp-gia-nghia-1722853558.jpg
Sản phẩm trái cây sấy của Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu mắc ca sachi Thịnh Phát (TP. Gia Nghĩa).

Ngoài vấn đề bảo hộ sản phẩm, Thịnh Phát đã chủ động đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại đưa vào sản xuất. Đây cũng là cách để doanh nghiệp này xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Không dừng lại ở đó, doanh nghiệp này còn tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học tạo ra các sản phẩm chất lượng từ các loại hạt và trái cây tươi.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương - Giám đốc công ty Thịnh Phát cho biết: “Trong quá trình phát triển, chúng tôi luôn kiên định với quan điểm chất lượng sản phẩm là yếu tố tạo nên thành công của doanh nghiệp. Những tín hiệu phản hồi tốt từ thị trường trong những năm qua đã cho thấy mục tiêu đó của chúng tôi là hoàn toàn đúng đắn”.

nong-san-cua-dak-nong-duoc-nhieu-khach-hang-ua-chuong-tai-cac-su-kien-ket-noi-cung-cau-1722853335.jpg
Nông sản của Đắk Nông được nhiều khách hàng ưa chuộng tại các sự kiện kết nối cung - cầu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc bảo hộ SHTT cho sản phẩm chỉ là bước khởi đầu. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, quản lý để gìn giữ chất lượng và danh tiếng của sản phẩm mới là bài toán lâu dài của chủ doanh nghiệp. Vì vậy, định hướng quan trọng để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là cần gắn chặt chẽ với các yếu tố khác như: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận,...

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2024, tỉnh Đắk Nông đã có 30 văn bằng bảo hộ cho các sản phẩm chủ lực đã được cấp . Trong đó, có 1 sản phẩm hạt tiêu đạt được Chỉ dẫn địa lý Đắk Nông. Ngoài ra, còn có 29 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu thông thường cho các sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực ở địa phương như: bơ núi lửa Krông Nô; gạo Buôn Choáh; xoài Đắk Mil; sầu riêng Đắk Mil…/.

Kiến Giang