Báo chí hiện đại cần một đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp (Phần I)

Tính chuyên nghiệp là gì? Người phương Tây đã có khái niệm này từ lâu. Một cách ngắn gọn, định nghĩa này nói rằng tính chuyên nghiệp bao gồm những việc làm, hạnh kiểm, mục tiêu và phẩm chất làm nên một chuyên gia.
1eca7312-e48c-11e7-befa-2e995a9a3302-1655516720.jpg
Ảnh minh họa

Nhưng từ điển không nói những hạnh kiểm và phẩm chất đó là gì. Trên báo, mỗi bài nói một khác. Trong thực tế, qua cọ xát với giới chuyên môn nhiều năm, tôi nghĩ tính chuyên nghiệp có bảy đặc điểm sau: kiến thức chuyên ngành; tài năng; liêm chính; tôn trọng; có trách nhiệm; tự kiểm soát và hình ảnh, phong cách.

Theo từ điển Tiếng Việt, khái niệm chuyên nghiệp được định nghĩa là một nghề nghiệp chuyên môn “có tính chuyên môn hóa cao, đáp ứng yêu cầu về chất lượng”. Vậy xây dựng đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp là xây dựng đội ngũ nhà báo có khả năng làm việc “đáp ứng yêu cầu về chất lượng” và “có tính chuyên môn hóa cao”.

Cùng với tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ, báo chí - truyền thông cũng phát triển rất nhanh về số lượng và chất lượng, đi song song với nó, tính chất tổng hợp trong lao động của nhà báo không còn điều kiện để tồn tại, đội ngũ những người làm báo ngày càng phát triển theo xu hướng mỗi nhà báo chỉ phụ trách một lĩnh vực chuyên sâu, chỉ đảm nhiệm một công việc nhất định. Đó chính là xu hướng chuyên nghiệp, chuyên môn hóa cao với sự phân công lao động cụ thể trong hoạt động báo chí hiện đại.

Ở các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên là những nhà báo giữ một vị trí hết sức quan trọng. Trong cơ cấu tổ chức và hoạt động của cơ quan báo chí, họ là những người “chuyên đi lấy tin tức, tài liệu để viết bài). Cụ thể hơn, họ có nhiệm vụ thông qua hoạt động của mình trực tiếp triển khai kế hoạch thông tin của tòa soạn, trực tiếp phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời đi cơ sở, thu nhận thông tin, phân tích - đánh giá thực tiễn để báo cáo tòa soạn và trực tiếp sáng tạo nên các tác phẩm báo chí.

Những báo cáo, những phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác của phóng viên là cơ sở quan trọng để cơ quan báo chí đề ra những nhiệm vụ tuyên truyền đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tôn chỉ, mục đích của tờ báo.

Mỗi tờ báo, mỗi chương trình phát thanh, truyền hình sẽ không được gọi là hay, là thiết thực nếu thiếu đi những tác phẩm báo chí đề cập đến những vấn đề nóng hổi nhất, có ý nghĩa thời sự nhất đối với công chúng. Cơ sở để hình thành những tác phẩm báo chí có giá trị như thế chính là sự gặp gỡ, giao thoa giữa hai dòng thông tin: Dòng thông tin chỉ đạo là quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được thể hiện bằng nhiệm vụ, kế hoạch tuyên truyền của cơ quan báo chí và dòng thông tin phản hồi từ cơ sở, chủ yếu do phóng viên thu thập được.

Bởi vì phóng viên, do tính chất phân công lao động trong tòa soạn, luôn “sống” ở đầu nguồn tin tức, kịp thời phát hiện những đề tài, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, có điều kiện quan sát, phân tích, lý giải thực tiễn, trên cơ sở đó họ mới có thể viết đúng, viết trúng và viết hay. Uy tín của mỗi tờ báo, Đài Phát thanh, Đài Truyền hình phụ thuộc rất lớn vào khả năng làm việc, sức sáng tạo của lực lượng này.

Trong xu thế của thời kỳ hội nhập, dấu ấn của sự phụ thuộc ấy càng rõ nét hơn, bởi đội ngũ nhà báo giỏi, khả năng làm việc mang tính chuyên nghiệp cao sẽ góp phần không nhỏ xây dựng thương hiệu của tờ báo, đưa tòa soạn vượt qua cuộc cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và phát triển. Mục tiêu của chúng ta hiện nay là xây dựng một đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp.

Đội ngũ phóng viên ở mỗi cơ quan báo chí đều đã được tuyển chọn theo yêu cầu xác định để thực hiện tôn chỉ mục đích của tờ báo. Họ có thể đầy lòng yêu nghề, không ngại khó, sẵn sàng đi thực tế cơ sở để kiếm tìm đề tài, nhưng để trở thành những phóng viên giỏi, biết làm việc một cách chuyên nghiệp, họ cần được đào luyện và trải qua nhiều thử thách. Ngoài tinh thần trách nhiệm, biết xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, họ phải có “giác quan thính nhạy” để phát hiện và nắm bắt những vấn đề nóng hổi nhất, có khả năng chọn lọc được những sự kiện có ý nghĩa nhất trong thực tiễn để phản ánh.

Và hơn hết, những nhà báo biết làm việc một cách chuyên nghiệp còn cần phải có năng lực thể hiện trong tác phẩm báo chí của mình nhằm chuyển tải hiệu quả cao nhất lượng thông tin cần thiết cho độc giả. Tuy nhiên, trong hoạt động thực tiễn, phóng viên không dễ dàng có được đầy đủ những phẩm chất ấy, và yêu cầu khó khăn hơn cả đối với họ, theo kết quả khảo sát ở một số tờ báo, họ “vấp” nhiều nhất chính là khâu phát hiện vấn đề để viết và thể hiện vấn đề đã phát hiện được thành văn bản để có tác phẩm báo chí hoàn chỉnh.

Thực tế cho thấy, có nhiều người rất năng nổ, nhiệt tình đi cơ sở nhưng trước vô vàn sự kiện, hiện tượng đang diễn ra mà chẳng “thấy” gì hết, hoặc chỉ phát hiện những biểu hiện hình thức bề ngoài, không tìm ra được bản chất, không chỉ ra được quy luật vận động và chiều hướng phát triển của hiện tượng, chính vì vậy, bài viết của họ trở nên nông cạn, hời hợt, không được độc giả quan tâm. Thực tế còn cho thấy, có người phát hiện được vấn đề nhưng khả năng thể hiện thành văn bản kém hoặc chưa có kỹ năng tự biên tập nên bài viết mới chỉ ở dạng sản phẩm thô, chưa được tinh lọc, và cũng chính vì vậy, bài báo cũng không đạt được hiệu quả phản ánh mong muốn.

Chính sự thiếu chuẩn chuyên nghiệp của phóng viên làm cho bộ phận biên tập rất vất vả vì phải “gia công” lại, nhưng hoạt động này không phải bao giờ cũng mang lại hiệu quả phản ánh cho bài báo, đôi khi còn làm hỏng ý đồ của tác giả. Đánh giá vai trò của những chuyến đi cơ sở, thâm nhập vào đời sống xã hội và thể hiện tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Những tư tưởng chủ đề của mỗi báo chỉ có thể nảy nở sau khi đã nghiên cứu thực tế”.

Và Bác cũng từng nhấn mạnh, trước khi viết một bài báo, không phải chỉ cần xác định “Viết cái gì?” mà còn cần phải xác định được một vấn đề rất cơ bản là “Viết cho ai? Viết để làm gì?”. Như vậy, có thể nói, trong quá trình hoạt động của phóng viên, khâu đi cơ sở, thu thập tài liệu là một khâu quan trọng, nhưng có tài liệu rồi người phóng viên còn cần phải biết lựa chọn tài liệu theo chủ đề và sắp xếp tài liệu theo một bố cục nhất định, nhằm thực hiện mục đích tư tưởng của bài báo. Đó chính là cách thể hiện bài báo, một công đoạn trong quá trình sáng tạo tác phẩm - công đoạn giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng tin bài và hiệu quả của công tác báo chí./.

Nguyễn Văn Tông