56% người Mỹ cho rằng AI mang lại cả lợi ích lẫn tác hại
Theo báo cáo mới nhất của Đại học Bentley và Gallup, 56% người Mỹ cho rằng AI mang lại cả lợi ích lẫn tác hại. Tuy nhiên, tỷ lệ người tin rằng tác hại của AI lớn hơn lợi ích vẫn cao hơn so với nhóm có quan điểm ngược lại.
Tuy nhiên, tại Liên minh châu Âu, bức tranh lại hoàn toàn khác biệt. Báo cáo Eurobarometer "Thập kỷ Số" công bố tháng Bảy cho thấy 73% người châu Âu cho rằng số hóa đã giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn, trong khi chỉ có 23% nói điều ngược lại. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại về việc lạm dụng dữ liệu cá nhân (46%) và tin giả hoặc thông tin sai lệch (45%).
Một khảo sát toàn cầu của POLIS về báo chí và AI cho thấy các tòa soạn chủ yếu sử dụng AI trong thu thập, sản xuất và phân phối tin tức. Báo cáo cho rằng mặc dù AI giúp nhà báo có thêm thời gian để tạo ra các sản phẩm báo chí tốt hơn, song việc này đi kèm với trách nhiệm biên tập và đạo đức.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters đã khảo sát gần 100.000 người tại 47 quốc gia về nhận thức của họ về AI trong lĩnh vực tin tức. Kết quả cho thấy độc giả thoải mái hơn với việc AI hỗ trợ các công việc hậu trường như dịch thuật hay phiên âm, thay vì thay thế hoàn toàn các nhà báo.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, những nhận định về sự góp mặt của AI trong lĩnh vực báo chí được đưa ra trong thời điểm niềm tin của xã hội vào truyền thông chỉ ở mức khoảng 40%.
Do vậy, mặc dù không thể phủ nhận tác động của AI đối với cách thông tin được phổ biến, các chuyên gia truyền thông phải được cung cấp các công cụ và kiến thức liên quan để sử dụng công nghệ này một cách tốt nhất có thể.
Như Charlie Beckett, Giám đốc bộ phận tư vấn truyền thông tại Trường Kinh tế London nhận xét trong báo cáo của ông về AI và báo chí: "Nếu chúng ta coi báo chí là một lợi ích xã hội, do con người cung cấp cho con người, thì chúng ta có khoảng 2-5 năm để các tổ chức tin tức phải nắm bắt công nghệ này"
AI sẽ đem lại những lợi thế lớn nếu báo chí biết tận dụng
Hiện các toà soạn Việt Nam mới chỉ “đặt một chân” vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Với những lợi ích mà AI mang lại, báo chí truyền thông Việt Nam không nên để lỡ “chuyến tàu trí tuệ nhân tạo” thêm một lần nữa.
Đó là nhận định của Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật trong Tọa đàm “Ứng dụng AI trong truyền thông” do Trung tâm Hoa Kỳ (Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam) tổ chức.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nhật, nhờ có AI, các cơ quan báo chí có thể lọc được thành phần độc giả; chọn lọc từ khóa; soát sửa lỗi chính tả; phân tích xu hướng bạn đọc; tối ưu hóa hình ảnh… Thậm chí, một số cơ quan báo chí đã sử dụng AI để sản xuất các sản phẩm đa phương tiện như đồ họa, video, e-magazine… Một số khác sử dụng AI vào việc phân tích số liệu, dữ liệu để triển khai các chuyên đề, loạt bài điều tra có chất lượng.
Ngoài ra, AI có thể giúp cơ quan báo chí nghiên cứu thông tin nhãn hàng để thực hiện các chiến lược truyền thông, từ đó đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí.
“AI không phải là một trào lưu dễ đến dễ đi, mà đã trở thành xu thế tất yếu và thâm nhập sâu vào đời sống, nếu ứng dụng hợp lý sẽ giúp các tòa soạn báo tiết kiệm rất nhiều thời gian, nhân lực,” ông Nhật nói.
Theo ông Nhật, dù thông minh, nhanh nhạy, song AI vẫn không thể thay thế con người. Do đó, bên cạnh việc đầu tư chi phí để mang về những ứng dụng AI cho đơn vị, các tòa soạn vẫn nên tập trung đầu tư đào tạo, nâng cao năng lực của chính phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên để đảm bảo chất lượng và có thể sử dụng AI một cách hiệu quả.
“AI mang đến lợi ích nhiều hơn là lấy đi các cơ hội của báo chí. Đó là tầm nhìn ngắn hạn của tôi bởi trong thời đại công nghệ phát triển ngày nay, chúng ta không thể dự đoán được tương lai quá xa,” ông Nhật nói./.