
Theo những người trồng dừa ở Bến Tre, sâu đầu đen làm kén trú ngụ dưới lá dừa, gây khó khăn trong việc phun xịt. Chúng ăn hết lớp biểu bì xanh của lá, khiến lá trở nên mỏng và khô. Sâu phá hoại từ lá già đến lá non, thậm chí tấn công cả trái dừa và những cây dừa con mới nhô khỏi mặt đất vài ba tấc cũng bị ăn trụi. Mặc dù nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ nhưng vẫn chưa thể khống chế hoàn toàn loại sâu này.
Một nông dân ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre cho biết, dù giá dừa tăng cao, nhưng sản lượng thu hoạch lại giảm sút do sự hoành hành của sâu đầu đen. Đây là loài sâu hại nguy hiểm, khiến cây dừa suy kiệt, giảm khả năng quang hợp, và thậm chí có thể chết nếu không được xử lý kịp thời.
“Ban đầu, tôi phát hiện cây dừa có hiện tượng héo lá bất thường. Khi kéo các tàu lá dừa xuống xem thử, tôi thấy hàng chục con sâu đầu đen đang ẩn nấp trong bẹ lá và ăn lá cây. Tôi phải tốn nhiều chi phí để cứu vườn dừa, nhưng đến lúc thu hoạch, trái dừa vẫn nhỏ”, ông chia sẻ.
Cùng theo người dân này, năng suất dừa của gia đình năm nay giảm từ 20 - 50% so với những năm trước, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập từ việc trồng dừa.

Không chỉ người trồng dừa ở Bến Tre chịu thiệt hại, hiện tượng sâu đầu đen còn xuất hiện và tàn phá vùng dừa ở tỉnh Tiền Giang với mức độ lây nhiễm cao. Cụ thể, hiện tượng sâu đầu đen xuất hiện và gây hại nghiêm trọng nhất tại các xã Xuân Đông, Hòa Định, Bình Ninh (thuộc huyện Chợ Gạo), nhiều vườn dừa ở các lứa tuổi đang nhiễm sâu đầu đen rất cao. Không ít cây dừa bị sâu cắn phá cháy rụi, không thể phục hồi. Bước đầu, thống kê của ngành nông nghiệp địa phương cho biết, diện tích vườn dừa nhiễm sâu đầu đen hơn 270ha.
Thời gian qua, ngành chuyên môn đã tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nhà vườn áp dụng biện pháp phun xịt thuốc BVTV diệt loài sâu bọ này, cắt bỏ những cành lá dừa nhiễm bệnh, tăng cường khâu chăm sóc vườn dừa... Tuy nhiên vào mùa khô hạn này, sâu đầu đen tiếp tục gây hại vườn dừa, nhiệt độ cao, gió chướng thổi mạnh, nông dân gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng trị, bảo vệ cây dừa.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang, diện tích dừa của toàn tỉnh hiện có 22.4600 ha. Thời gian qua, do dịch bệnh sâu đầu đen làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng trái dừa. Ở thời điểm này, giá dừa rất cao, trái khô gần 200 nghìn đồng/chục (12 quả), dừa xiêm trên dưới 100 nghìn đồng/chục nhưng nhà vườn không có dừa để bán.
Thông tin từ UBND tỉnh Bến Tre, trong năm 2024, diện tích trồng dừa trên địa bàn tỉnh Bến Tre bị nhiễm sâu đầu đen là 992,06 ha, diện tích phục hồi từ đầu năm 2024 đến ngày 27/12/2024 là 390,32 ha.
Tình trạng sâu đầu đen tàn phá vườn dừa đã sảy ra từ giữa năm 2024. Thống kê của ngành chức năng thời điểm tháng 9/2024, tại Trà Vinh, hiện có 34,5ha (tương đương 7.626 cây dừa) bị ảnh hưởng, lan rộng ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành và thành phố Trà Vinh.
Vĩnh Long cũng ghi nhận 7ha vườn dừa bị tấn công tại huyện Vũng Liêm và Tam Bình. Đáng lo ngại nhất là tình hình ở Tiền Giang, nơi có tới 211ha dừa bị ảnh hưởng, tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Gạo.

Các cơ quan chức năng đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp ứng phó. Tại Bến Tre, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết đang triển khai việc nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh để diệt trừ sâu đầu đen. Từ đầu năm 2024 đến nay, khoảng 150 triệu con ong đã được thả ra môi trường tự nhiên.
Các tỉnh khác cũng đang áp dụng nhiều giải pháp như tập huấn cho nông dân về cách nhận biết và quản lý sâu đầu đen, hỗ trợ cắt bỏ lá và trái bị nhiễm, phun thuốc phòng trị và phát động phong trào trừ sâu đồng loạt.
Tại Tiền Giang, ngoài việc tăng cường thông tin và tập huấn, chính quyền còn vận động người dân chủ động phun xịt thuốc đồng loạt và thậm chí đốn bỏ những vườn dừa bị nhiễm nặng không có khả năng phục hồi./.