Báo cáo phát thải khí nhà kính: Doanh nghiệp cần lộ trình dài hơi để phát triển bền vững

Ngày 13/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg. Theo danh mục, có 2.166 doanh nghiệp sẽ phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính vào tháng 3/2025 và xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai kiểm kê khí nhà kính.
ps-32-1733304951.jpg
Báo cáo phát thải khí nhà kính doanh nghiệp cần lộ trình dài hơi.

Thực hiện Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và được cập nhật 2 năm một lần.

Cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giảm phát thải khí nhà kính; là cơ sở để tăng cường thực hiện kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải khí nhà kính và xác định mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của các cơ sở trong giai đoạn 2026 - 2030, góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và hướng tới thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việc ban hành và triển khai thực hiện Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng góp phần thực hiện quy định của Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhằm hướng tới kiểm soát ít nhất 85% các nguồn phát thải chính tùy theo điều kiện, năng lực quốc gia. Cùng với đó, Việt Nam cũng là một trong 159 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu, với mục tiêu giảm 30% phát thải khí mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020.

Theo cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính  9% nếu không có sự hỗ trợ quốc tế và đạt mức 27% nếu có sự hỗ trợ từ quốc tế.

ps-3-1733304951.jpg
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tại Hội thảo NetZero - môi trường và năng lượng hướng tới thành phố không phát thải 2050 mới đây, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: Những cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, đây sẽ là thách thức rất lớn với Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong số các nước đang phát triển phát thải lớn. Thời gian qua, các chính sách của Chính phủ, các ngành cũng như địa phương đều hướng tập trung vào mục tiêu để có thể giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Theo quyết định cập nhật, có 2166 doanh nghiệp sẽ phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính vào tháng 3/2025 và xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã đưa ra lộ trình để hình thành thị trường tín chỉ carbon thử nghiệm từ năm 2025 và hình thành thị trường tuân thủ vào năm 2029- thời điểm bắt đầu trao đổi hạn ngạch.

Ở thời điểm này, mặc dù 2166 doanh nghiệp đã được yêu cầu phải thực hiện việc báo cáo phát thải khí nhà kính nhưng mới chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp đã sẵn sàng, đó là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thép, xi măng, nhiệt điện. Đây cũng là những lĩnh vực Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đôn đốc để thực hiện kịp tiến độ báo cáo vào tháng 3/2025.

“Chính vì vậy, năm 2025, khi đưa ra cam kết giảm phát thải sắp tới sẽ là thách thức rất lớn với Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ phải thường xuyên rà soát, cập nhật NDC. Để đạt được các bước tiến lên quan đến NetZero, Việt Nam sẽ phải tập trung vào những lĩnh vực phát thải lớn nhất. Hiện nay, lĩnh vực phát thải lớn nhất của Việt Nam là hệ thống lương thực thực phẩm, chiếm 33% lượng phát thải, liên quan trực tiếp canh tác lúa, chăn nuôi gia súc” TS Nguyễn Đình Thọ khẳng định.

Là nước nông nghiệp, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều dự án hấp thụ carbon. Tuy nhiên, bản chất của dự án hấp thụ carbon không được ủng hộ bằng các dự án ứng dụng công nghệ để giảm phát thải. Theo quy định tiêu chuẩn chung với doanh nghiệp chỉ được sử dụng 10% tín chỉ hấp thụ để bù trừ. “Điều này có nghĩa mục tiêu của doanh nghiệp phải giảm phát thải và chuyển đổi công nghệ, sử dụng năng lượng sạch”, ông Nguyễn Đình Thọ chỉ rõ.

ps-31-1733304951.jpg
2166 doanh nghiệp đã được yêu cầu phải thực hiện việc báo cáo phát thải khí nhà kính.

Theo các chuyên gia, việc kiểm kê KNK có thể được hiểu như là đo dấu chân carbon (to nhỏ ra sao), từ đó có những số liệu chính xác và phù hợp, trên cơ sở đó mới tính toán được những giải pháp trong cắt giảm dấu chân carbon, giảm phát thải KNK. Thực hiện kiểm kê KNK thực tế có thể mang lại nhiều giá trị chiến lược cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng xanh hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, do đây là nghĩa vụ lần đầu tiên quy định cho doanh nghiệp khá ngỡ ngành, gặp nhiều lúc túng trong triển khai thực hiện và còn nhiều điểm còn phải làm rõ.

TS. Nguyễn Phương Nam - Chuyên gia tư vấn của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cho biết: “Thực tế, Việt Nam đã làm kiểm kê phát thải KNK cấp quốc gia từ 20 năm nay, nên năng lực kiểm kê của Việt Nam cơ bản khá tốt so với các nước đang phát triển trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên, ở cấp độ doanh nghiệp, vấn đề này còn tương đối mới”. Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp đã tiên phong trong kiểm kê KNK, còn đa phần các doanh nghiệp đều đang đối mặt với các thách thức lớn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Hải - Giám đốc Kỹ thuật - Công nghệ mới, Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (đơn vị triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện kiểm kê KNK) cũng cho biết: Thách thức thứ nhất là còn thiếu năng lực kỹ thuật, việc kiểm kê KNK đòi hỏi doanh nghiệp phải có kiến thức chuyên sâu về các loại KNK, nguồn phát thải, phạm vi phát thải, phương pháp tính toán, phương pháp đo lường và thu thập dữ liệu…

Doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong việc xác định đúng các nguồn phát thải, phân loại và tính toán chúng, đặc biệt là cho các nguồn phát thải phức tạp như từ xử lý nước thải, chất thải, hay các quá trình công nghiệp… Để khắc phục, cần rất nhiều các khóa đào tạo, hướng dẫn tới tiểu lĩnh vực cụ thể. Thực tế, việc xây dựng chiến lược giảm phát thải KNK không phải là một quá trình đơn giản, mà đòi hỏi sự đầu tư dài hạn và cam kết từ cả lãnh đạo và nhân viên./.

Hương Lan