Thời gian qua, Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua cam kết đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050. Những cam kết nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp mà Việt Nam tham gia, bao gồm sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu” và “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất,” không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp giảm phát thải, mà còn tạo nền tảng cho kinh tế xanh trong tương lai.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp Việt Nam đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm hiện thực hóa những cam kết này, với sự chú trọng đặc biệt vào nuôi trồng thủy sản. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào công nghệ 4.0 để chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng bền vững hơn, nhằm giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Cùng với xu thế chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển các vùng trồng, vùng nguyên liệu sạch,nhiều doanh nghiệp trong nước cho biết đã mạnh dạn đầu tư đưa ra các giải pháp dùng công nghệ nhân tạo (AI) trong quản lý môi trường nước, giúp giảm phát thải khí nhà kính và dư lượng kháng sinh trong tôm nuôi. Một trong những mô hình nổi bật là TomGoXy, được phát triển bởi Công ty CP Rynan Technologies Vietnam.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Mylan Group kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Rynan Technologies Vietnam chia sẻ: Những thách thức mà ngành nuôi tôm Việt Nam hiện đang phải đối mặt như ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh, và việc lạm dụng hóa chất không những ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mà còn gây tổn hại lớn đến môi trường tự nhiên. Thực tế cho thấy, sản xuất một tấn tôm tiêu tốn tới 0,5 ha đất, 6.000-9.000 m3 nước, và phát thải khoảng 10,5 tấn CO2. Trong đó, 50% lượng khí phát thải này xuất phát từ năng lượng sử dụng trong hệ thống sục khí, 30% từ thức ăn, và 16% từ các hoạt động sinh học trong ao nuôi.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho biết đội ngũ kỹ sư của doanh nghiệp phải mất 18 tháng để thiết kế hoàn chỉnh mô thức mới cho quy trình nuôi tôm thâm canh. Một số công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng trong mô hình này như thiết bị giàu oxy, máy cho ăn tự động, và các thiết bị kiểm soát sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm, mô thức TomGoXy như một giải pháp mới đồng bộ (số- lý- hóa- sinh), là làm giàu (G) Oxy - oxy hóa với Oxy tinh khiết tạo ra điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của tôm. Điểm nổi bật của mô thức này là ứng dụng Ryan Mekong – một ứng dụng di động giúp người nuôi giám sát và điều khiển trực tiếp các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tôm và chất lượng nước chỉ bằng một chiếc smartphone. Hệ thống cho tôm ăn thông minh hoạt động với ba chế độ: thủ công, tự động và kết hợp với thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI), giúp tối ưu hóa lượng thức ăn sử dụng trong ngày, từ đó giảm chi phí và tiết kiệm tới 20% thức ăn.
Tôm nuôi theo mô hình này còn có khả năng truy xuất nguồn gốc cùng với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, khiến sản phẩm dễ dàng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản. Mô thức này giúp giảm tiêu hao năng lượng từ 5.000 Kwh còn 2.000 Kwh/tấn tôm, góp phần giảm phần lớn khí nhà kính từ nguồn năng lượng sử dụng. Mục tiêu cao nhất mà mô hình hướng tới là đạt được trung hòa carbon, qua đó không chỉ nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm mà còn đảm bảo rằng sản phẩm có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường cao cấp với giá thành sản xuất hợp lý hơn.
Mô thức này, không sử dụng bất kỳ hệ thống bánh quạt hay sục oxy khí đáy nào mà sử dụng hệ thống thiết bị cấp ôxy tinh khiết được tách từ không khí, giúp tăng hàm lượng ôxy tan trong nước và giảm chi phí tiền điện tới hơn 70 %. Với nồng độ ôxy tan trong nước cao hơn 10 ppm, giúp tôm phát triển nhanh, ít bị bệnh, ít bị stress, giúp nước sạch hơn, tiết kiệm chi phí xử lý nước và thay nước.
Thông qua phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động, nông dân tương tác với thiết bị thông minh trong canh tác, nắm bắt được các thông số của môi trường, đồng thời giúp nông dân quản lý trang trại nuôi tôm hiệu quả về kinh tế hơn. Với hệ thống dữ liệu máy tính cập nhật các chương trình quản lý thức ăn và chăm sóc, quản lý dịch bệnh đến an toàn sinh học, quy trình ngăn ngừa nhiễm bệnh và chương trình thu hoạch, quản lý sau thu hoạch.
Nhờ ứng dụng các công nghệ trên, rủi ro dịch bệnh giảm nhanh đồng thời năng suất nuôi tôm cũng tăng cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của người nông dân. Với diện tích 1,4 ha, bao gồm 4 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 1.000 m². Mô thức này có thể cho tổng sản lượng khoảng 100 tấn tôm thương phẩm mỗi năm.
Trong bốn năm qua, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao đã được nhiều bà con nông dân tại Trà Vinh áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năng suất bình quân đạt từ 30 – 40 tấn/ha/vụ, gấp 5 lần so với các mô hình nuôi tôm thâm canh truyền thống.
Theo TS. Nguyễn Thanh Mỹ, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, sản phẩm dễ lỗi thời và mẫu mã cũng dễ bị sao chép. Do đó, doanh nghiệp quyết định dành ít nhất 2% doanh thu hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm nhằm "đi tắt đón đầu" và giữ độc quyền về nhãn hiệu cũng như tự quyết định giá thành sản phẩm. Đến nay, doanh nghiệp đã sở hữu hơn 600 bằng độc quyền sáng chế liên quan đến sản phẩm trong công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, cùng các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực thủy sản./.
Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 77,9 triệu tấn CO2tđ, giảm ít nhất 30% so với mức phát thải năm 2020. Trong đó, phát thải khí mê-tan trong trồng trọt không vượt quá 30,7 triệu tấn CO2tđ, chăn nuôi không vượt quá 15,2 triệu tấn CO2tđ. Để thực hiện mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và cụ thể hóa bằng 26 nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư; khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng trong các hoạt động giảm phát thải khí mê-tan.