Quảng cáo #128

Bài học về cơn bão Yagi và tính cấp bách của hành động ứng phó với biến đổi khí hậu

Cho rằng cơn bão Yagi để lại cho chúng ta nhiều bài học, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, biến đổi khí hậu không phải là chuyện xa xôi mà ngay cả những quốc gia có tiềm lực về khoa học công nghệ, ứng phó thiên tai hay có tiềm lực kinh tế lớn như: Mỹ, Châu Âu.. cũng phải chống chịu với những thảm họa, những cú sốc của thiên tai.

Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh khi phát biểu giải trình trong phiên thảo luận toàn thể Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác, vào chiều 4/11.

bai-hoc-bao-yagi-1-1730769279.jpg
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.(Ảnh: Quốc hội)

Biến đổi khí hậu không phải là chuyện xa xôi

Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cho biết, thời gia qua đất nước ta đã hứng chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, trong đó có cơn bão số 3 (Yagi) và cơn bão Trà Mi…

Đại biểu cho biết, Quảng Ninh – nơi tâm bão đi qua đã để lại khung cảnh hoang tàn, đổ nát, nhà máy; công trường, xí nghiệp đình trệ; khu nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền đều chìm xuống đáy biển; rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, rừng sản xuất đều gãy đổ. Nhiều ngôi nhà bị ngập, sập, chìm trong dòng nước lũ… Số đoàn cứu trợ, sự hỗ trợ của đội ngũ y, bác sĩ, đoàn viên, hội viên nhân dân tràn ngập các phố, phường, làng quê, dọn dẹp sau bão, giúp đỡ nhau.. đã để lại những ấn tượng xúc động.

Theo Đại biểu, sau khi những cơn bão đi qua, còn rất nhiều vướng mắc. Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo rốt ráo hơn nữa để khắc phục, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, các quy định, cơ chế, chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai được ban hành từ giai đoạn trước, chưa được cập nhật đầy đủ các đối tượng chịu ảnh hưởng cần được hỗ trợ; nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ còn thấp so với thiệt hại to lớn của cơn bão số 3 gây ra.

bai-hoc-bao-yagi-3-1730769343.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.(Ảnh: Quốc hội)

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề, xây dựng đề án tái thiết nền kinh tế sau bão; thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân bị ảnh hưởng thiệt hại; ưu tiên bố trí nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố, hư hỏng về hệ thống giao thông, đê điều, hồ chứa thủy lợi…

Đặc biệt, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp để khôi phục sản xuất, cơ chế trục vớt tàu, thuyền bị đắm do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Cùng với đó, nghiên cứu các quy chuẩn kỹ thuật, định mức xây dựng đối với các công trình cơ sở hạ tầng khu vực neo đậu, tránh trú bão, các công trình ven biển… để đáp ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay; có cơ chế đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời giữa các cấp chính quyền, lực lượng chức năng trong điều kiện giông bão, mưa lũ, mất điện, mất sóng. Đồng thời, bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo an toàn trước những ảnh hưởng của thiên tai.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cơn bão Yagi để lại cho chúng ta nhiều bài học, kể cả về tình người cũng như nội lực của đất nước với sự tham gia của xã hội hàng trăm nghìn người bao gồm lực lượng vũ trang, công an, dân sự... Có những thời khắc lịch sử rất khó khăn, không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ chọn giải pháp để thiệt hại nhỏ nhất.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, biến đổi khí hậu không phải là chuyện xa xôi mà ngay cả những quốc gia có tiềm lực về khoa học công nghệ, ứng phó thiên tai hay có tiềm lực kinh tế lớn như: Mỹ, Châu Âu.. cũng phải chống chịu với những thảm họa, những cú sốc của thiên tai.

“Chúng ta phải nâng cấp tất cả tư duy nhìn về thảm họa, thiên tai ở một cấp độ cao hơn và xử lý những tình huống cao hơn, kể cả về hạ tầng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch các địa phương ven biển…”, Bộ trưởng nêu.

bai-hoc-bao-yagi-5-1730769452.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu giải trình phiên thảo luận chiều 4/11. (Ảnh: Quốc hội)

Đối với vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm về hỗ trợ bà con sau bão lũ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng 2 dự thảo Nghị định về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị tổn thất do thiên tai và hỗ trợ sản xuất bị tổn thất do dịch bệnh trên động vật với cách tiếp cận là dù không thể đền bù hết được tất cả những mất mát của bà con, nhưng cũng không để khoảng cách quá xa với thiệt thòi, thiệt hại của bà con. Bên cạnh đó, cần thiết kế chính sách để không bị lợi dụng chính sách, không bị trục lợi cũng như không làm cho những người thiệt hại khó khăn, vì đây là vấn đề rất lớn.

"Trong khi nguồn lực có hạn, chúng tôi đã thiết kế lại những chính sách. Một là nâng mức hỗ trợ lên, hai là cho phép các chính quyền địa phương thông qua Hội đồng nhân dân có thể hỗ trợ nhiều thêm để các địa phương có điều kiện hỗ trợ cho bà con một cách kịp thời", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Về bảo hiểm nông nghiệp, Bộ trưởng NNPT&NT cho hay đang thiết kế lại dự thảo, trình Bộ Tài chính để sửa đổi Nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp, bởi "chưa bao giờ chúng ta thấy bảo hiểm nông nghiệp cần thiết như sau cơn bão Yagi".

Như vậy, câu chuyện của bão Yagi để lại là phải cấu trúc lại toàn bộ hệ thống ngành hàng nông nghiệp để thích ứng bền vững. Những chiếc lồng bè ở Vân Đồn, Quảng Ninh cần chắc chắn hơn và những bến cảng cần chống chịu được những hình thái, cấp độ giông bão cao hơn.

Ngoài ra, về nuôi trồng thủy, kể cả trồng trọt, chăn nuôi. Tất cả những điều đó phải được ban hành một tiêu chuẩn và quy chuẩn mới để thích ứng, nhất là chúng ta phản ứng một cách năng động hơn, nhanh nhạy hơn một hệ thống từ trung ương cho tới địa phương.

Phát triển kinh tế biển bền vững và hành trình gỡ "thẻ vàng" thủy sản

Quan tâm đến sự phát triển kinh tế biển bền vững, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) nêu thực trạng giá hải sản lao dốc, chi phí ra khơi leo thang, tình trạng cạn kiệt ngư trường gây ra nhiều hệ lụy. Nhiều tàu phải nằm bờ, nhiều ngư phủ phải rời biển, nhọc nhằn lên bờ tìm kế mưu sinh; nhiều chủ tàu vỡ nợ, phá sản; an ninh trật tự trên ngư trường ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi sự bao chiếm, tranh chấp, thậm chí đi đánh bắt tại vùng biển không theo quy định của pháp luật và bị Ủy ban châu Âu ra thẻ vàng cảnh báo và đến nay 7 năm cũng chưa tháo gỡ được…

Đại biểu phân tích, việc cạn kiệt ngư trường do ngư dân tăng tần suất đánh bắt bằng những phương thức và công cụ tận diệt; có tình trạng lơ là trong quản lý, bằng chứng là mỗi năm khai thác 3,8 triệu tấn, cao gấp 1,5 lần cho phép. Vì vậy, từ năm 2005 đến nay, nguồn lợi thủy sản của chúng ta đã giảm trên 30%.

Bên cạnh đó là một số chính sách chưa sát với đời sống, điển hình như  Nghị định 37 quy định về chiều dài của con cá ngừ vằn được phép khai thác; hay nghị định 67 rất nhân văn nhưng chưa ban hành chính sách quanh nợ; việc chậm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình tàu cá…

bai-hoc-bao-yagi-2-1730769544.jpg
Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.(Ảnh: Quốc hội)

Từ những phân tích trên, đại biểu kiến nghị thực hiện nghiêm các giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững, trong đó có tái tạo nguồn lợi thủy sản, phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chấp pháp trên biển, các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân chấp hành pháp luật và tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra giám sát để hỗ trợ ngư dân kịp thời khi gặp khó khăn; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật.

Các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương nghiên cứu ban hành những chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân thất nghiệp như: chính sách về tín dụng ưu đãi, chính sách về chuyển giao khoa học công nghệ, kinh nghiệm trong các nghề du lịch biển đảo, nuôi biển công nghệ cao; Tuyên truyền để ngư dân chuyển đổi nhận thức từ tư duy nghề cá truyền thống sang nghề cá trách nhiệm.

Tháo gỡ những nghị định còn bất cập như Nghị định số 37 về kích cỡ cá ngừ vàng, đảm bảo hài hòa giữa sinh kế của người dân và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt. Bổ sung chính sách quanh nợ và một số chính sách khác mà cử tri đã kiến nghị ở Nghị định số 67 và sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên biển, để ngư dân, cộng đồng doanh nghiệp yên tâm vươn khơi bám biển.

Liên quan tới phát triển thủy sản bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin, Thủ tướng vừa ban hành Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 4/11/2024 về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu.

bai-hoc-bao-yagi-4-1730769617.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phiên tại thảo luận toàn thể Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.(Ảnh: Quốc hội)

Theo Bộ trưởng, các quy định của IUU cũng đã được quy định trong Luật Thủy sản, vấn đề quan trọng là thực thi trong thực tế.

Đối với những biện pháp gỡ thẻ vàng thủy sản, Bộ trưởng cho biết, những khuyến cáo của EU đã được cải thiện rất nhiều. Đây là công sức của cả một hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng như của lãnh đạo các địa phương. Điều này đã được đoàn thanh tra EU ghi nhận, chúng ta phải cùng nhau hợp lực lại ở khoảng thời gian cuối cùng này.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, hiện nay, nhiều địa phương có những hành động quyết liệt để ngăn chặn hành vi đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp; các lực lượng chấp pháp cũng hỗ trợ lực lượng chức năng ở địa phương trong việc nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU…

Đã có rất nhiều địa phương nuôi biển rất tốt như: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên, có những cộng đồng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, trước đây là khai thác ở ngoài khơi bây giờ vào để nuôi trồng ở cận bờ và ở ven bờ....

Bộ trưởng cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội ngoài trách nhiệm giám sát các thành viên Chính phủ hay Chính phủ thì trong những cuộc tiếp xúc cử tri ở 675 xã ven biển, các đại biểu cùng với Chính phủ, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương lan tỏa tinh thần phát triển thủy sản bền vững, giảm khai thác, tăng nuôi trồng, bảo tồn biển.../.

Trọng Bình (Tổng hợp)