Bắc Giang: Nhiều lợi ích từ ứng dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu, bệnh hại trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP

Những năm gần đây, Bắc Giang đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp an toàn và ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào sản xuất và coi đó là xu hướng tất yếu và ngày càng được áp dụng rộng rãi để giảm sức lao động, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Trong đó, ứng dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu bệnh hại trong sản xuất lúa theo VietGAP là một mô hình mang lại nhiều lợi ích về hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần tạo sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Vụ mùa 2022, Trung tâm khuyến nông phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Việt Yên và Lạng Giang xây dựng mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu, bệnh hại trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap. Theo đó, mô hình có quy mô 34 ha, được thực hiện tại xã Dương Đức, huyện Lạng Giang 9,5ha và xã Tự Lạn, huyện Việt Yên 24,5ha. Hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 40% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ 40% phí dịch vụ thuê máy bay phun thuốc.

Qua theo dõi, Trung tâm Khuyến nông tiến hành phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái tập trung một lần tại mỗi điểm để đánh giá hiệu quả phòng trừ sâu, bệnh hại bằng thiết bị bay không người lái ở các giai đoạn sinh trưởng, phát triển khác nhau của cây lúa. Trong đó, tại điểm mô hình ở xã Dương Đức, huyện Lạng Giang phun thuốc giai đoạn lúa kết thúc đẻ nhánh bước vào giai đoạn làm đòng để phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh hại chính xuất hiện với mật độ cao ở giai đoạn này như sâu cuốn lá và bệnh đạo ôn lá…

lange-1665532557.jpg
Các đại biểu tham quan mô hình

Đối với điểm mô hình tại xã Tự Lạn, huyện Việt Yên tiến hành phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái vào giai đoạn lúa thấp tho trỗ để phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh hại như sâu đục thân, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh đen lép hạt…

Nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình, mới đây, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Việt Yên và UBND xã Tự Lạn tổ chức hội nghị mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu, bệnh hại trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Tham dự có 100 đại biểu là cán bộ Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ, lãnh đạo xã và các hộ nông dân tại các xã Tự Lạn, Hương Mai, Việt Tiến và Trung Sơn. Hội nghị được tổ chức gồm các nội dung chính đó là tham quan thực tế mô hình đầu bờ, đánh giá hiệu quả của mô hình và nông dân hỏi chuyên gia trả lời trực tiếp tại hội nghị.

Theo báo cáo đánh giá cho thấy các đối tượng sâu, bệnh hại trên các giống lúa trong mô hình chỉ bị ở mức không nhiễm đến nhiễm rất nhẹ do được chăm sóc theo quy trình VietGap, đặc biệt việc sử dụng máy bay phun thuốc nên đã phòng trừ được các đối tượng sâu, bệnh hại chính một cách tập trung, trên diện rộng; đồng thời giảm trên 40% chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật so với phun thuốc thủ công truyền thống. Năng suất thực thu ước đạt của các giống lúa gieo cấy trong mô hình đều cao hơn so với cùng giống gieo cấy đại trà ngoài mô hình từ 25-30kg/sào.

Ông Nguyễn Văn Huân - Trưởng thôn Râm, xã Tự Lạn, huyện Việt Yên cho biết, sau khi được Trung tâm KN tỉnh, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện triển khai mô hình thôn đã thông báo, tổ chức họp dân và vận động các hộ trong thôn tham gia với tổng diện tích 24,5 ha gieo trồng tập trung chủ yếu bằng giống lúa TH8. Qua mô hình giúp bà con nắm bắt được quy trình cũng như lợi ích từ việc áp dụng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả rất cao do thuốc được phun rải dưới dạng xương mù nên bám đều trên thân và 2 mặt lá lúa.

Nhiều hộ dân tham gia mô hình tại thôn Râm, xã Tự Lạn như ông Nguyễn Văn Kỳ, bà Nguyễn Thị Nhiêu… phấn khởi chia sẻ tại hội nghị, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp giảm công lao động trong sản xuất cũng như phòng trừ sâu bệnh hại, bảo vệ môi trường, sức khỏe của người nông dân, năng suất lúa cao hơn so với cùng giống lúa cấy ngoài mô hình. Từ hiệu quả thực tế của mô hình, người dân đề nghị Trung tâm KN tiếp tục tuyên truyền để nhân rộng mô hình sang các địa phương khác trên địa bàn xã, huyện trong những vụ tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó chủ tịch UBND xã Tự Lạn chia sẻ, hiện nay lao động trẻ trong xã chủ yếu làm việc tại các công ty, khu công nghiệp. Do đó, mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu, bệnh hại trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap đã giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp, giải phóng sức lao động của người dân, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân, bảo vệ môi trường.

Tổng kết hội nghị, ông Lê Hồng Giang - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông cùng các hộ nông dân thống nhất đánh giá mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu, bệnh hại trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với điều kiện sản xuất, tập quán canh tác tại địa phương. Mô hình mang lại nhiều lợi ích: góp phần nâng cao nhận thức của các hộ dân về sản xuất lúa theo quy trình VietGap, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động trong nông nghiệp; tiết kiệm chi phí về thuốc, tiết kiệm lượng nước phun, giảm tiền công phun thuốc BVTV; tăng năng suất cây trồng;  đặc biệt bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất, tạo sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường và phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Với những hiệu quả thiết thực trên đã khẳng định sự thành công của mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu, bệnh hại trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Trung tâm Khuyến nông đề nghị Sở Nông nghiệp và các cơ quan chuyên môn chỉ đạo áp dụng máy bay phun thuốc vào sản xuất trên diện rộng. Các cấp, các ngành cần tích cực tuyên truyền phổ biến để nhân rộng mô hình trong thời gian tới./.