Ngày 11/6, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) do Thứ trưởng Hoàng Trung làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về tình hình tái cơ cấu ngành trồng trọt; quản lý, sử dụng vật tư nông nghiệp; công tác sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp; tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ và công tác xúc tiến thương mại một số mặt hàng nông sản chủ lực. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT và đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao những kết quả mà ngành Nông nghiêp Bắc Giang đã đạt được trong thời gian qua. Trong đó, tỉnh thực hiện tái cơ cấu lại ngành trồng trọt, tỉnh từng bước chỉ đạo nông dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo lợi thế từng địa phương, có liên kết, tạo thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến, xuất khẩu.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt (theo giá so sánh 2010) đạt 2,6%/năm, giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt đạt 140 triệu đồng. 4 năm liên tiếp, ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản những tháng đầu năm 2024 tăng 1,82%.
Ngoài ra, công tác quản lý, sử dụng vật tư nông nghiệp được quan tâm, qua đó đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Công tác sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp đang triển khai theo kế hoạch, tiêu thụ vải thiều thuận lợi.
Địa phương còn làm tốt công tác tái cơ cấu ngành trồng trọt, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo quy trình an toàn VietGap, GlobalGap, hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ đối với các cây trồng chủ lực, đặc trưng của tỉnh được đẩy mạnh, qua đó giúp tăng năng suất, chất lượng, tạo điều kiện cho xuất khẩu.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong quá trình tái cơ cấu ngành trồng trọt, tỉnh Bắc Giang cần phải chú trọng chọn vùng sản xuất, tái cơ cấu sâu hơn trong cây trồng chủ lực và theo phương pháp giải vụ, nhất là đối với cây ăn quả. Qua đó, sẽ tạo điều kiện để áp dụng tốt hơn khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, đảm bảo năng suất, chất lượng, thị trường tiêu thụ.
Bắc Giang cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng loại cây trồng chủ lực. Đồng thời tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng loại cây trồng chủ lực, tiếp tục đồng hành, tạo động lực cho người nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đánh giá cao kết quả sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đạt được thời gian qua. Qua đó, tỉnh Bắc Giang cần làm tốt công tác chỉ đạo bảo vệ sản xuất vụ Chiêm xuân; tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Mùa; đưa cơ cấu giống cây trồng đảm bảo hợp lý nhằm đem lại năng suất, chất lượng tốt nhất. Làm tốt công tác bảo vệ thực vật từ khâu chọn giống, quản lý giống đảm bảo chất lượng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng.
Tiếp đó, đẩy mạnh xây dựng quy trình sản xuất, tiết giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho người dân. Nâng hiệu quả quản lý giống cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn. Quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng được cấp. Tiếp tục thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới tăng trưởng xanh.
Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp nhằm tránh tình trạng nhập lậu các giống, vật tư nông nghiệp kém chất lượng, làm ảnh hưởng tới năng suất, cây trồng vật nuôi và an toàn thực phẩm trong ngành nông nghiệp....
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục chủ động, tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Với quan điểm phát triển nông nghiệp “làm đâu chắc đó”, mang tính ổn định, bền vững, tỉnh Bắc Giang đã làm tốt công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực và công tác xúc tiến thương mại, từ đó tạo tiền đề, cơ sở để tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp./.