Bắc Giang: Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt trên 5.700 tỷ đồng

Mặc dù ngay từ đầu vụ, giá vải thiều Bắc Giang tăng cao, tuy nhiên tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều của tỉnh giảm, ước đạt trên 85,7 nghìn tấn, trong đó, giá trị doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng trên 5.775 tỷ đồng. 
z3744547679841-a932318a6f49a72c842b25fd295b1c49-1719380475.jpg
Năm 2024, tỉnh Bắc Giang vẫn duy trì diện tích cây vải khoảng 29.700 ha. (Ảnh minh họa)

Theo Sở Công Thương Bắc Giang, mùa vải thiều năm 2024, do thời tiết bất lợi đã làm ảnh hưởng lớn đến năng suất vải thiều của địa phương,  sản lượng vải thiều đạt khoảng gần 100 nghìn tấn, bằng 50% so với năm ngoái. 

Tuy nhiên giá vải thiều ngay từ những ngày đầu vụ tăng cao, gấp đôi thậm chí gấp 3 lần so với năm 2023. Giá vải thiều dao động từ 55 - 85 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay, tổng doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.814 tỷ đồng. 

Tính đến hết ngày 24/6, toàn tỉnh đã tiêu thụ được hơn 85,7 nghìn tấn vải, trong đó, các địa phương tiêu thụ hơn 47,6 nghìn tấn vải chín sớm, 38,1 nghìn tấn vải chính vụ. Lục Ngạn là địa phương có tổng sản lượng vải thiều lớn nhất tỉnh, tiêu thụ gần 53 nghìn tấn vải.

Hiện vải thiều của Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó, sản lượng vải thiều xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 24,7 nghìn tấn, chiếm trên 28,9% so với tổng sản lượng tiêu thụ. Sản lượng tiêu thụ nội địa đạt hơn 60,9 nghìn tấn, chiếm trên 71%.

Do giá vải tăng nên sản lượng xuất khẩu đến các thị trường năm nay giảm mạnh. Tính đến ngày 24/6, sản lượng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hơn 24,5 nghìn tấn; còn lại được xuất khẩu sang các thị trường khác như: EU 53 tấn, Nhật Bản 45 tấn, Úc 42 tấn, Hoa Kỳ 20 tấn, Dubai 21 tấn, Canada 16 tấn và các nước khu vực Đông Nam Á 18 tấn.

Hiện doanh thu từ xuất khẩu của tỉnh Bắc Giang đạt 1.670 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải thiều đạt 1.392 tỷ đồng.

Được biết, Bắc Giang có 15.600 ha vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước 50.000 tấn; vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82 ha, sản lượng ước 500 tấn.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, thời gian tới đơn vị sẽ mời các Viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp, các nhà khoa học đến để nghiên cứu, nhằm tạo ra các giống cây vải chống chịu được với thời tiết cực đoan, thích ứng với biến đổi khí hậu.  Cùng với đó, sẽ nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để trái vải ra hoa nhiều, tỷ lệ đậu quả cao, ngăn chặn sự rụng trái để các năm sau không còn xảy ra tình trạng “mất mùa” vải thiều như năm nay./.

Trần Quỳnh