Huyện Sơn Động (Bắc Giang): Quy hoạch 4 vùng trồng cây dược liệu

Huyện Sơn Động tỉnh Bắc Giang đã quy hoạch 4 vùng trồng cây dược liệu, xây dựng dự án hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trồng cây dược liệu đem lại thu nhập cao cho người dân.
1679384482623-20230321131613-que-1718345392.jpg
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sơn Động liên kết trồng thử nghiệm hơn 4 ha quế tại xã An Lạc. Ảnh minh họa

Theo báo cáo công tác triển khai thực hiện trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Sơn Động, hiện nay địa phương đã quy hoạch 4 vùng trồng cây dược liệu với diện tích 600 ha trên địa bàn 15 xã, thị trấn; quy hoạch gần 362 ha trồng cây dược liệu quý tại 9 xã, thị trấn gồm: Hữu Sản, An Lạc, Vân Sơn, An Bá, Tuấn Đạo, Thanh Luận, Long Sơn, Dương Hưu và thị trấn Tây Yên Tử.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện Sơn Động đang xây dựng dự án hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trồng cây dược liệu trên địa bàn các xã: Long Sơn, Dương Hưu, Hữu Sản, Lệ Viễn với diện tích hơn 25 ha.

Bên cạnh đó, huyện Sơn Động đã vận động hơn 40 người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và hộ có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi tham gia vào các hoạt động sản xuất các loại cây trồng gồm: Cây ích mẫu, Trà hoa vàng, Kim tiền thảo, Ba kích. Đặc biệt, dự án trồng cây Ba kích tại xã Long Sơn với 10 nghìn gốc có thể mang lại sản lượng ước đạt 20 tấn/ha.

Mặc dù dự án bước đầu đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Sơn Động vẫn còn gặp một số khó khăn liên quan đến đầu ra ổn định cho sản phẩm. Doanh nghiệp thu mua dược liệu chỉ tập trung ở một số sản phẩm, trong khi đó nhiều loại cây người dân đang trồng chưa tìm được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Bên cạnh đó, nhiều loại cây trồng không có định mức kinh tế - kỹ thuật hoặc có định mức kinh tế - kỹ thuật thấp...

Trong thời gian tới, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, mở rộng diện tích cây dược liệu trong cơ cấu nông nghiệp, các cơ quan, ban ngành huyện Sơn Động cần phối hợp hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp, các nhà khoa học áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất. Qua đó, xây dựng các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất và xúc tiến thương mại, liên kết với doanh nghiệp chế biến dược phẩm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm./.

Trần Quỳnh