Theo công ty giám sát chất lượng không khí IQAir, chỉ số bụi mịn PM2.5, loại độc hại nhất có thể đi vào máu, ở mức 588 vào sáng 3/11, cao gấp gần 40 lần so với ngưỡng giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Người dân có thể cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng, thường xuyên chảy nước mắt và ngứa cổ họng sau khi đi ngoài đường nhiều giờ đồng hồ.
Vào mùa Đông hàng năm, thời tiết mát mẻ hơn, người dân đốt rơm rạ gây khói kết hợp với khí thải của các phương tiện giao thông và các nguồn phát thải khác đã tạo ra màn khói bụi độc hại đặc quánh bao trùm New Delhi, làm giảm tầm nhìn của thành phố gần 20 triệu dân này.
Các quan chức chính phủ cho biết, những cơn gió thổi nhẹ được cho là sẽ đẩy chất lượng không khí vào "loại nghiêm trọng" lan toả đi khắp nơi.
Không khí trong thành phố trở nên gần như không thể xử lý được vào mỗi mùa đông khi không khí lạnh và nặng, bám bụi xây dựng, khí thải xe cộ và khói từ việc đốt cây trồng.
Ủy ban kiểm soát ô nhiễm trung ương cho biết, chất lượng không khí đạt đỉnh lúc 4 giờ 15 tại khu vực Anand Vihar của New Delhi. Chỉ số trên 400 được coi là "nghiêm trọng" và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí The Lancet hồi năm 2020, trong năm 2019, tại Ấn Độ có khoảng 1,67 triệu người người tử vong vì ô nhiễm không khí, trong đó gần 17.500 người ở New Delhi.
Bộ trưởng môi trường Delhi Gopal Rai cho biết: “Các chuyên gia đang dự đoán rằng tốc độ gió giảm từ ngày 3/11 và hướng của nó thay đổi. Dựa trên điều đó, người ta dự đoán rằng chất lượng không khí (AQI) sẽ vượt quá 400 vào loại nghiêm trọng”.
Ông không cho biết khi nào các hạn chế có thể được dỡ bỏ. Gần 600 đội thanh tra sẽ giám sát các công trình xây dựng và làm việc trên các bệnh viện, đường sắt và sân bay.