Ấn Độ ra mắt mạng viễn thông 5G

Ấn Độ chính thức ra mắt dịch vụ 5G và được kỳ vọng thay đổi cuộc sống người dân, mang lại lợi ích kinh tế cho quốc gia khu vực Nam Á này.

5G là công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G và có tốc độ nhanh hơn 4G đến 40 lần. Mặc dù 4G là một bước tiến vượt bậc, cho phép mọi người truyền tải dữ liệu khi đang di chuyển, nhưng 5G được thiết kế để sử dụng linh hoạt hơn, có thể kết nối nhiều loại thiết bị không chỉ điện thoại thông minh, cung cấp tốc độ truy cập và dung lượng cao hơn nhiều.

Do đó, Ấn Độ tung ra các dịch vụ được chờ đợi nhiều nhằm cung cấp vùng phủ sóng liền mạch, tốc độ dữ liệu cao, kết nối internet ít bị trễ hơn và thông tin liên lạc có độ tin cậy cao. 

Ra mắt tại buổi lễ tung ra công nghệ 5G, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu: "Sự kiện này sẽ được ghi vào lịch sử. Đây là một bước tiến tới kỷ nguyên mới của đất nước Ấn Độ và là sự khởi đầu của những cơ hội vô hạn". 

Công nghệ 5G sẽ giúp việc truy cập Internet tốc độ cao và bao phủ trên diện rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hàng ngày và giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân. Dự kiến, mạng 5G sẽ giúp mang lại cho nền kinh tế Ấn Độ khoảng 450 tỷ USD vào năm 2035.

5g-01-1664773031.jpg
Buổi ra mắt 5G tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Ngoài các nhà cung cấp viễn thông và sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu, Chính phủ Ấn Độ đã tích cực tham gia để tạo điều kiện cho việc triển khai dịch vụ 5G. Bộ Viễn thông Ấn Độ đã tập trung đầu tư cho các tổ chức nghiên cứu công nghệ hàng đầu ở nước này để phát triển và thử nghiệm mạng 5G.

Trước mắt, dịch vụ 5G sẽ được triển khai tại 8 thành phố của Ấn Độ và dự kiến đến tháng 3/2024 là thời hạn chót để dịch vụ này phủ sóng toàn quốc.

Trước đó, trong một tuyên bố được Cục Viễn thông Ấn Độ (DoT) đưa ra vào ngày 27/12/2021, các nhà mạng hàng đầu Ấn Độ như Bharti Airtel, Reliance Jio và Vodafone Idea đã thiết lập các địa điểm thử nghiệm 5G tại các thành phố Gurugram, Bangalore, Kolkata, Mumbai, New Delhi, Ahmadabad, Chennai, Hyderabad....

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), kể từ khi ra mắt vào năm 2019, 5G tiếp tục đà triển khai trên khắp thế giới.

Tính đến tháng 6.2022, có khoảng 70 quốc gia có mạng 5G, tăng từ con số 38 vào giữa năm 2020.

Malaysia và Thụy Điển đứng thứ hai và thứ ba với tốc độ tải xuống lần lượt là 382,2Mb/giây và 333,9Mb/giây.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 200 nhà mạng trên toàn cầu đưa 5G vào sử dụng thương mại.

 

Thi Nguyên (t/h)