Không đủ khả năng trả mức thuế
Cụ thể, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp mức thuế 20% đối với các loại gạo khác hôm 8/9. Quốc gia Nam Á hiện là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang cố gắng thúc đẩy nguồn cung trong nước và kìm giữ giá gạo. Lượng mưa trong mùa mưa vừa qua tại nước này ở dưới mức trung bình đang đe dọa tới vụ trồng sắp tới.
Krishna Rao, Chủ tịch của Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Gạo Toàn Ấn cho biết mức thuế mới được đưa ra có hiệu lực từ nửa đêm, trong khi các bên mua gạo lại không sẵn sàng trả phần chênh lệch thuế. Ấn Độ xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo mỗi tháng, chú yếu từ 2 cảng ở bờ biển phía Đông là Kakinada và Visakhapatnam tại bang Andhra Pradesh.
Theo Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành của Satyam Balajee– công ty xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ, trong các trường hợp trước đó, Chính phủ Ấn Độ cho phép miễn trừ cho các hợp đồng được hỗ trợ bằng thư tín dụng (LC), hoặc bảo lãnh thanh toán, được phát hành cho đến ngày Chính phủ thực hiện thay đổi chính sách.
Tuy nhiên, trong lần này, các ưu đãi không được áp dụng. Thương nhân này cho biết lợi nhuận từ kinh doanh gạo rất thấp và các nhà xuất khẩu không có đủ khả năng để trả mức thuế 20%.
Hiện có khoảng 750.000 tấn gạo trắng đang nằm tại các cảng của Ấn Độ, phải chịu thuế 20% từ ngày 8/9. Đối với gạo tấm, chính quyền Ấn Độ cho phép bốc dỡ các lô hàng đã được giao cho hải quan hoặc nơi tàu neo đậu trước khi thông báo cấm xuất khẩu và tăng thuế đưa ra hôm thứ 5 tuần trước.
Tuy nhiên, việc bốc xếp, vận chuyển phải được hoàn tất trước ngày 15/9. Theo tính toán, ít nhất 350.000 tấn gạo tấm đang chờ tại các cảng của Ấn Độ không đáp ứng được các tiêu chí này, và việc chuyển các lô hàng này trở lại nơi xuất xứ cũng là không thể.
Cơ hội cho gạo Việt Nam?
Theo Reuters, khi các nhà xuất khẩu Ấn Độ ngừng ký hợp đồng mới, các bên mua đang cố gắng đảm bảo nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Giá gạo trắng 5% tấm tăng thêm khoảng 20 USD/tấn trong 04 ngày qua.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm RI-VNBKN5-P1 của Việt Nam được chào bán ở mức 410 USD/tấn trong ngày 12/9, tăng khoảng 20 USD so với mức giá 390 - 393 USD/tấn vào tuần trước.
Reuters cho biết các hạn chế của New Delhi khiến các bên mua chuyển sang tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.
“Ấn Độ chiếm hơn 40% các lô hàng toàn cầu. Vì vậy, không ai dám chắc giá sẽ tăng bao nhiêu trong những tháng tới", ông Himanshu Agarwal - Giám đốc điều hành của một doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ cho hay.
Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người trên khắp thế giới. Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào năm 2007, giá gạo toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục vào khoảng 1.000 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt mức kỷ lục 21,5 triệu tấn vào năm 2021, nhiều hơn tổng khối lượng gạo của 4 nước xuất khẩu lớn liền kề cộng lại gồm: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.
Sản lượng hàng năm của Việt Nam - vốn thường xuyên ở vị trí thứ 3 xuất khẩu gạo thế giới chỉ vào khoảng 6 - 6,5 triệu tấn, bằng 30% của Ấn Độ.
Hiện Ấn Độ bán gạo đi hơn 150 nước và việc ngừng xuất khẩu gạo của nước này sẽ gia tăng áp lực lên giá lương thực trên toàn cầu, vốn đã tăng vọt do nhiều nguyên nhân như hạn hán, nắng nóng khắc nghiệt và cuộc chiến tại Ukraine.