Năm 2022, Việt Nam xếp vị trí thứ nhất với 41/108 dự án của các DN Nhật Bản trên toàn cầu có kế hoạch đầu tư phát triển kinh doanh và thị trường Việt Nam, để phát triển đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu; Việt Nam cũng là thị trường ưa chuộng xếp thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ) cho việc mở rộng kinh doanh của các DN Nhật Bản.
Theo kết quả từ "Khảo sát thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài năm 2022" do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam thực hiện. Khảo sát này được JETRO thực hiện đối với 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu Á và châu Đại Dương.
Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2022, có 59,5% doanh nghiệp dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, tăng 5,2 điểm so với năm trước; tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ là 20,8%, giảm 7,8 điểm so với năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp có lãi tại Việt Nam so với khu vực ASEAN cũng như toàn khu vực châu Á, châu Đại Dương là tương đối thấp.
Dự báo lợi nhuận kinh doanh tại Việt Nam năm 2022, theo ngành nghề, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi của ngành chế tạo là 61,1%, tăng 3,6 điểm so với năm trước. Tiếp đến là ngành phi chế tạo, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi là 57,6%, tăng 6,1 điểm so với năm trước.
Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2022, 47,6% doanh nghiệp trả lời "cải thiện" tăng 16,2 điểm so với năm trước và 22,6% doanh nghiệp trả lời "suy giảm", giảm 14 điểm so với năm 2021.Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá, triển vọng lợi nhuận kinh doanh tại Việt Nam năm 2022 hồi phục mạnh sau dịch COVID-19, đặc biệt là ngành sản xuất tiêu dùng và ngành dịch vụ trực tiếp tăng đáng kể.
Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2023, 53,6% doanh nghiệp trả lời "cải thiện" và 6,9% doanh nghiệp trả lời "suy giảm". Năm 2023, lợi nhuận kinh doanh cả ngành chế tạo và phi chế tạo đều dự báo cải thiện trên 50%. Lý do "cải thiện" ở cả ngành chế tạo và phi chế tạo đều được các doanh nghiệp nêu ra là do phục hồi sau dịch. Các doanh nghiệp cho rằng lý do "suy giảm" do chi phí mua nguyên vật liệu, logistics, phí nhân công… tăng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến động tỷ giá là những nguyên nhân hàng đầu.
Đặc biệt, kết quả khảo sát về phương hướng triển khai kinh doanh trong một, hai năm tới tại Việt Nam, có 60% doanh nghiệp trả lời sẽ "mở rộng", tăng 4,7 điểm so với năm trước. Theo quốc gia/ khu vực Việt Nam chỉ sau Ấn Độ, Bangladesh và đứng đầu Asean. Trong khi đó, chỉ có 1,1% doanh nghiệp trả lời sẽ "thu hẹp" hoặc chuyển sang nước/khu vực thứ ba, giảm 1,1 điểm so với năm trước. Theo quốc gia/khu vực đây là mức thấp chỉ sau Bangladesh và Lào.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy có 54,4% doanh nghiệp ngành chế tạo trả lời "mở rộng", tăng 2,7 điểm so với năm trước, ngành phi chế tạo là 65,9% tăng 7,2 điểm. Đáng chú ý, ngành phi chế tạo doanh nghiệp vừa và nhỏ có mong muốn mở rộng tăng mạnh.
Còn theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng năm nay, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 2 về số vốn đầu tư tại Việt Nam, chỉ sau Singapore, với hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư.